468x1000 Ads

Wednesday, November 12, 2014

Exoskeleton - Từ đời thực đến Call of Duty

Hãy cùng Review game tìm hiểu về bộ giáp, một trong những minh chứng cho khẩu hiệu: "Năng lượng làm thay đổi mọi thứ - Power changes everything".

Khi Call of Duty ngày càng xuất hiện nhiều hơn, "phép màu" của game ngày càng phải độc đáo hơn để người chơi không phải suy nghĩ rằng game ngày càng rập khuôn, không có gì thay đổi. Năm ngoái, nếu Call of Duty: Ghosts đã khiến người chơi sửng sốt với Riley, "tân binh" bốn chân của Infinity Ward thì năm nay, "phép màu" ấy trở lại với một thứ phi thường hơn: một bộ khung cường lực tưởng như chỉ có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có tên là Exoskeleton.


Đúng ra, Exoskeleton không phải là một thứ gì đó quá xa lạ. Những game thủ đã từng hâm mộ series Crysis của Crytek chắc chắn sẽ không quên được bộ Nanosuit của Prophet, nhân vật chính trong game. Nanosuit là một sự cường điệu hóa quá mức cho cái gọi là Exoskeleton, đến nỗi nó gần như trở thành một thứ gì đó phi thực tế đến mức khó tin. Exoskeleton của Sledgehammer Games tuy cũng gần giống thế nhưng có phần quen thuộc hơn. Giống như Riley, "phép màu" của game đến từ một thứ rất gần gũi với con người: khoa học.

Exoskeleton ở ngoài đời thực


Exoskeleton là thiết bị đặc biệt được chế tạo có chức năng bổ trợ sức mạnh và khả năng cho con người nhờ bộ giáp ngoài đeo lên mình. Exoskeleton được sử dụng chủ yếu trong mục đích quân sự. Mục tiêu của các dự án chế tạo Exoskeleton là tạo ra một "vỏ bọc" giúp tăng tốc độ, tính cơ động và sức mạnh của con người, ngoài ra Exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sỹ. Việc sử dụng các Exoskeleton sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của các binh sỹ, biến các binh sỹ tương lai thành các sinh vật cơ khí hóa (cybernetic organism).

Một trong những thử nghiệm mới của DARPA.
Trên thực tế, từ lâu con người đã có những dự án nhằm thiết kế ra bộ giáp cường lực để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Những năm 1880-1890, Nicholas Yagn, người Nga đã thiết kế thứ được xem như là nguyên mẫu đầu tiên của Exoskeleton: một thiết bị dùng để hỗ trợ cho việc đi lại, chạy và nhảy. Thiết kế ban đầu sử dụng một lò xo khổng lồ và các thiết kế về sau dùng túi khí nén để trữ năng lượng. Tuy nhiên, thiết bị này vẫn còn khá bị động và phải sử dụng nhiều đến sức người. Năm 1917, nhà phát minh người Mỹ Leslie C. Kelley đã tự phát triển thứ mà ông gọi là pedomotor, hoạt động dựa trên sức mạnh hơi nước và các khớp nối nhân tạo. Điều này giúp pedomotor có thể cử động đồng thời cùng với chuyển động của người đeo thiết bị, và năng lượng cũng do chính người sử dụng tạo ra.

Exoskeleton đúng nghĩa đầu tiên, với mục đích tạo ra một cỗ máy cường lực có thể di chuyển song song cùng với cử động của con người xuất hiện vào những năm 1960 do tập đoàn General Electric và quân đội Mỹ hợp tác phát triển. Bộ đồ có tên là Hardiman, có thể hỗ trợ nâng 110kg chỉ nhẹ như 4,5 kg nhờ vào cơ chế lực phản hồi. Sử dụng năng lượng thủy lực và điện, bộ đồ có thể tăng cường sức mạnh của người dùng lên 25 lần. Nhược điểm lớn nhất của Hardiman là khối lượng (680kg), chưa kể cho dù đã đạt được mục đích tăng cường sức mạnh vật lý, bộ đồ này gặp phải vấn đề về thời gian phản hồi (tốc độ người sử dụng chỉ đạt được khoảng 76.2 cm/giây). Vì thế dự án này đã bị coi là thất bại.

Hardiman - bộ Exoskeleton thật sự đầu tiên trên thế giới
Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc giải phóng sức lực trong khi chiến đấu, đầu những năm 2000, Mỹ đã khởi động lại chương trình chế tạo Exoskeleton. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản bởi yêu cầu đặt ra là phải chế tạo một thiết bị thích hợp với nhiều tình huống tác chiến khác nhau và song song với đó là không làm giảm khả năng cơ động của binh sỹ. Phương án tối ưu nhất được đưa ra là Exoskeleton phải thay thế được hoàn toàn tứ chi của binh sỹ, ngoài ra phải cho phép mang theo mình một tải trọng khoảng 95% khả năng mang vác của con người. Thêm vào đó, Exoskeleton phải kết hợp hài hòa với cơ thể con người, "tiên đoán" và thực hiện tất cả các ý định và mệnh lệnh của người mang.

Một bộ Lockheed Martin HULC
Hiện nay, DARPA - một cơ quan khoa học quân sự của Mỹ đã mở ra hướng mới trong việc chế tạo các Exoskeleton. Các nhà khoa học tiến tới việc chế tạo các Exoskeleton nhẹ hơn và rẻ hơn, các Exoskeleton của họ sẽ không tạo khả năng siêu việt cho binh sỹ mà chỉ đơn giản là giải phóng sức lực của họ khỏi việc mang vác. Dự án mới mà DARPA muốn hiện thực hóa hoàn toàn độc lập với các dự án như XOS 2 và HULC (nghĩa là không hủy 2 dự án này). Dự kiến, Exoskeleton mới có khả năng mang tải trọng 45 kg trong thời gian 5 giờ.

Exoskeleton trong Call of Duty: Advanced Warfare


Cuộc chiến của Call of Duty: Advanced Warfare là cuộc chiến của tương lai. Sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp các loại xe bay, áo khoác tàng hình hay những công nghệ chiến tranh tiên tiến. Ba năm trước, khi nhận thực hiện Call of Duty: Advanced Warfare, đội ngũ Sledgehammer Games đã đặt câu hỏi: chiến tranh tương lai sẽ ra sao? Chúng ta sẽ thấy gì trên chiến trường?

Và thế là hãng đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu các công nghệ đã, đang ứng dụng và sẽ phát triển trong tương lai. Đồng thời họ đã nhờ các chuyên gia tương lai học, cũng như các kỹ sư công nghệ học tư vấn về các phương tiện di chuyển, vũ khí cũng như các ứng dụng mà tương lai sẽ có thể có. Exoskeleton cũng là một phần như vậy.


Trong Call of Duty: Advanced Warfare có hai loại Exoskeleton: Assault và Specialist, mỗi bộ giáp sở hữu những công nghệ khác nhau bởi chúng được dùng cho những mục đích khác nhau. Nếu như dòng Assault chuyên để phục vụ cho những trận đối đầu trực tiếp thì dòng Specialist lại có những khả năng đặc biệt để giúp người chơi vạch ra những chiến lược để tránh phải đối đầu càng ít càng tốt.

Một bộ Exoskeleton thuộc dòng Assault
Dù sử dụng loại Exoskeleton nào thì luôn có hai đặc điểm mà người chơi cần lưu ý, đó là Exo Movement và Exo Abilities. Exo Movement là phần đặc điểm chung bộ giáp nào cũng sở hữu, đó là các chuyển động phức tạp được hỗ trợ nhờ bộ đẩy phản lực mini giúp game thủ có thể nhảy ngang né, nhảy từ trên cao xuống đạp "bẹp dí" đối thủ, tăng sức mạnh cận chiến, đẩy người lao về trước với tốc độ cực nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Exo Abilities khác ở chỗ có thể thay đổi tùy vào nhiệm vụ, chúng gồm một loạt kỹ năng như tàng hình (Cloak), khiên chắn (Shield), tăng máu nhanh (Stim), "bay" lâu hơn trong không trung (Hover), tăng tốc độ di chuyển (Overclock), phát hiện kẻ thù di chuyển (Ping) hay tiêu hủy lựu đạn và tên lửa đang bắn về phía người chơi (Trophy System).

Một trong những khả năng đặc biệt bộ giáp mang lại
Và điều quan trọng cần phải nhớ là tất cả các kỹ năng hay đặc điểm không thể tự nhiên sử dụng được, chúng cũng cần có một nguồn năng lượng để kích hoạt và trong trường hợp này chính là pin của bộ giáp. Đúng như câu khẩu hiệu của game: "Năng lượng làm thay đổi mọi thứ", năng lượng không chỉ làm thay đổi khả năng của người lính trên chiến trường, thông qua bộ giáp Exoskeleton, nó còn gián tiếp làm thay đổi trải nghiệm khi chơi, đem đến cho game thủ một trong những game Call of Duty đáng nhớ nhất lịch sử.

0 nhận xét:

Post a Comment