468x1000 Ads

Wednesday, November 15, 2017

Assassin’s Creed Origins – hướng dẫn săn đồ

Nếu đã đồng hành cùng dòng game Assassin’s Creed từ ngày ra mắt phiên bản đầu tiên, hẳn mọi người hâm mộ đều biết rằng mỗi bối cảnh của game đều ẩn chứa vô vàn bí mật độc đáo được nhà phát triển khéo léo giấu đi, chờ người chơi khám phá và mở khóa thành tựu. Phiên bản mới nhất Assassin’s Creed Origins với một thế giới còn rộng hơn cả bản đồ của Assassin’s Creed IV: Black Flags chắc chắn cũng ẩn chưa không ít những bí mật thú vị, nhất là khi bối cảnh lần này là Ai Cập cổ đại – một nền văn minh mà cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể khám phá hết.

Nếu bạn đã hoàn thành cốt truyện chính, hoặc vẫn đang thong dong đâu đó giữa Ai Cập cổ đại trong Assassin’s Creed Origins sau hàng giờ liền… sát sanh, thì bằng gì hãy cùng Review game khám phá những bí ẩn được chôn sâu dưới hàng lớp lớp cát khai sinh ra nền văn minh nhân loại ngày nay?

NHỮNG TRANG PHỤC BÍ ẨN

Bắt đầu từ phiên bản Assassin’s Creed Unity cho đến Syndicate, mỗi khi hoàn thành cốt truyện chính của game, nhân vật chính sẽ được “thửa” một món bảo vật cổ đại (Piece of Eden) dưới dạng trang bị. Assassin’s Creed Origins cũng không ngoại lệ khi những món bảo vật này vẫn tồn tại trong game dưới dạng một bộ trang phục (outfit) mang tên Isu Armor. Khác với hai phiên bản trước, để có được bộ trang phục này thì người chơi cần bỏ công nhiều hơn là chỉ cắm mặt cày hết tuyến nhiệm vụ chính. Cũng may mắn hơn là người chơi hoàn toàn có thể tìm thấy Isu Armor trước khi “phá đảo”, bởi quá trình khám phá để tìm nó sẽ kéo dài xuyên suốt từ đầu tới cuối game.


Bộ trang phục bí ẩn này được cất giấu rất công phu dưới một cơ quan bên trong tượng Nhân sư lớn (Great Sphinx) thuộc khu vực Giza. Đặt chân đến đó, người chơi cần khởi động một hệ thống đặc biệt với yêu cầu là phải kích hoạt hết 12 vòng tròn đá (Stone Circles) được đặt rải rác khắp Ai Cập. Lớp “bảo mật” thứ 2 của cơ quan này cũng sẽ yêu cầu thêm 50 quặng thạch anh (Silica) sau khi kích hoạt hết 12 Stone Circles. Vậy tóm lại, việc chúng ta cần làm là lượm lặt đủ 50 quặng Silica và kích hoạt 12 Stone Circles.

Stone Circles: Những vòng tròn đá này tượng trưng cho 12 vị thần tương ứng với 12 chòm sao trong văn hóa của người Ai Cập cổ. Trong đó để kích hoạt thành công một Stone Circles, người chơi cần phải chơi “xếp hình” đúng với vị trí các chòm sao trên bầu trời. Nếu kích hoạt đủ 12 chòm sao, người chơi sẽ còn nhận được số điểm kinh nghiệm tổng cộng lên tới 3000 EXP chia đều cho 12 Stone Circles.

Việc này theo đánh giá game tuy không quá khó và mất nhiều thời gian, nhưng bạn cần đặc biệt lưu ý là đừng bỏ lỡ một điểm mở bản đồ nào (biểu tượng đại bàng) nếu không muốn vừa cưỡi ngựa vừa… ngái ngủ. Nguy hiểm hơn cả, là chỉ cần một phút lơ đễnh cũng có thể trở thành một chuyến đi “hành xác” khi Bayek có thể gặp những toán thổ phỉ hung hãn nào đấy.

Silica: Những quặng này thường không dễ tìm bởi chúng chỉ có ở dưới những hầm mộ cổ, được đánh dấu bằng biểu tượng dấu chấm hỏi (?) màu vàng. Tổng cộng trên toàn cõi Ai Cập có tới 19 ngôi mộ cổ và để có đủ 50 quặng Silica, hành trình của người chơi sẽ vẫn tiếp tục… cuốc bộ nếu không chịu khó trèo lên các điểm quan sát để định vị các địa điểm “?” và điểm dịch chuyển nhanh. Một số ngôi mộ được thiết kế với các cơ quan được ẩn giấu rất tinh vi, cần người chơi chịu khó quan sát để tìm được những lối đi bí mật. Và đừng quên luôn luôn quét địa hình để định vị những quặng Silica nằm rải rác khắp mọi ngóc ngách nhé. Hành trình tìm kiếm 50 quặng Silica sẽ còn mất nhiều thời gian hơn cả 12 Stone Circles đấy. Cố gắng lên!

Sau khi tìm đủ 50 quặng Silica và kích hoạt hết 12 Stone Circles, hãy quay trở lại tượng Nhân sư ở Giza, xuống kích hoạt hệ thống Holograms thời tiền sử và thưởng thức… phim cắt cảnh thôi. Tiếp tục đi sâu hơn vào bên trong, người chơi sẽ thấy một “máy bán hàng tự động” với yêu cầu là số Silica mà bạn đã kiếm được. Phần thưởng là bộ áo Isu Armor sẽ được tự động thêm vào thùng đồ của người chơi. Bộ trang phục này không hề tăng bất cứ một chỉ số hay thuộc tính phụ nào cho Bayek, chỉ đơn giản là trông… “ngầu lòi” hơn mà thôi.

Ngoài Isu Armor, trong Assassin’s Creed Origins còn có rất nhiều những bộ trang phục không được bán công khai trong các tiệm vải, mà buộc người chơi phải… nạp tiền thật (đổi lấy điểm Helix Credit). Tuy nhiên thực tế game thủ hoàn toàn có thể “cày” để có chúng mà không cần phải nạp tiền.

Trong lúc chu du, Bayek sẽ gặp những cậu bé bán lạc đà xuất hiện ngẫu nhiên ở đâu đó trong thành phố, làng mạc (biểu tượng lạc đà màu lam). Đừng bỏ qua bởi ngoài những hợp đồng ám sát thú vị, cậu bé này còn bán luôn cả những chiếc rương ngẫu nhiên với giá… cắt cổ, tận 3000 Drachmas. Những chiếc rương này có thể ngẫu nhiên mở ra những trang phục được bán bằng Helix đấy!
Để tăng thêm phần thú vị và cho game thủ động lực khám phá Assassin’s Creed Origins, còn có rất nhiều bộ trang phục có thể có được thông qua những sự kiện bên lề khác mà bạn có thể kiểm lại dưới đây:


Sekhmet – Trang phục đậm chất “hổ báo” có thể có được ngay khi hoàn thành nhiệm vụ ngoại tuyến “Lady of Slaughter”.

Black Hood – Bộ đồ cực ngầu đúng chất “thích khách” sẽ là phần thường sau khi hoàn thành… một chuỗi nhiệm vụ dài hơi kéo dài từ cấp 20 đến cấp 40. Bayek cần phài cho “lên đĩa” tổng cộng 10 tên Phylake trên toàn cõi Ai Cập. Cẩn thận nhé, cho dù có bằng hoặc hơn cấp thì chúng vẫn dễ dàng “xiên” Bayek chỉ trong vài nốt nhạc, vậy nên tốt nhất cứ hơn chúng khoảng 5 cấp mới nên nghĩ đến chuyện “đi săn trùm”. Những tên Phylake này có thể định vị trên bản đồ với biểu tượng “đầu trâu”.

Roman Venator – Có được khi tham gia đấu trường Cyreme và tiêu diệt trùm The Hammer.

Roman Legiondary – Hoàn thành toàn bộ thử thách trong Cyrene Arena ở cấp độ Normal.

Roman Marinus – Đánh bài toàn bộ trùm trong Cyrene Arena, tổng cộng có 5 trùm gồm The Hammer, The Exes, The Hoplite, The Seleucid, The Duelist.

Shaman – Có được khi tiêu diệt được một con voi chiến tại khu vực White Desert Oasis.

TRỔ TÀI THÁM TỬ CÙNG BAYEK

Những hoạt động bên lề của Assassin’s Creed Origins còn có sự hiện diện của một số cuộn giấy được gọi là Papyrus Puzzles, có thể được tìm thấy trong những khu vực được đánh dấu trên bản đồ và tổng cộng có 26 Papyrus Puzzles tất cả. Thực tế thứ mà người chơi cần tìm không phải là những cuộn giấy này, mà là thứ được đề cập bên trong chúng. Vậy nên sau khi có được chiếc Isu Armor, Bayek sẽ tiếp tục hành nghề “nhặt ve chai” trong một thời gian dài nữa.


Điều kiện đầu tiên để giải hết đống Papyrus Puzzles này là người chơi cần có một chút vốn đọc hiểu Anh ngữ, bởi hầu hết các câu đố đều được mô tả tượng hình (nhìn về hướng A, đi về hướng B, chỗ có những vật C…). Hầu hết những địa điểm này không được đánh dấu trên bản đồ, cho dù có phóng tầm nhìn từ Senu. Mỗi câu đố mang về cho Bayek rất nhiều điểm kinh nghiệm và một loạt những món đồ quý hiếm, vậy nên cũng đáng để bỏ chút thời gian đấy!

THU THẬP TÀI NGUYÊN

Khác với các hệ thống trang bị của các phiên bản trước, Assassin’s Creed Origins lần này mang đến cho người chơi một hệ thống trang bị rất có chiều sâu và đa dạng, đòi hỏi người chơi cần bỏ công thu thập và nâng cấp lâu dài. Để nâng cấp trang bị thì cần có nguyên liệu, vậy làm sao để có được chúng? Senu sẽ giúp bạn.


Wood: Có thể tìm thấy bằng cách đánh chặn các đoàn xe tuần, phân giải cung tên, thương giáo hoặc chùy. Về sau, khi có kỹ năng Buy Materials trong nhánh Seer, người chơi có thể mua trực tiếp từ thợ rèn.

Soft Leather: Da động vật thu được từ việc săn bắn các loài động vật ăn cỏ như hưu, nai, bò rừng và một số động vật ăn thịt hạng nhẹ như linh cẩu. Có thể mua trực tiếp từ thợ dệt khi mở khóa kỹ năng Buy Materials.

Hard Leather: Có được từ việc săn bắt cá sấu và hà mã, chúng thường rất đông và hung hãn nên hay cẩn thận. Có thể mua trực tiếp từ thợ dệt khi mở khóa kỹ năng Buy Materials.
Pelt: Có được từ săn bắt mèo rừng, báo đốm hoặc sư tử, có thể mua trực tiếp từ thợ dệt khi mở khóa kỹ năng Buy Materials.

Quặng đồng (Bronze): Có thể tìm thấy bằng cách chặn đánh các đoàn xe tuần, phân giải kiếm, trượng hoặc đại đao. Có thể mua trực tiếp từ thợ rèn.

Quặng bạc (Silver): Cướp được từ các đoàn xe tuần, phân giải dao găm hoặc giáo mác, có thể mua trực tiếp từ thợ rèn.

Quặng thạch anh (Silica): Chỉ có thể tìm thấy dưới các hầm mộ cổ như đã đề cập phía trên và có nhiều hơn 50 quặng silica cho bạn thu thập.

Tinh thể Carbon (Carbon crystal): Có thể tìm thấy ở hầm mộ cổ và nhiều rương bí mật khác (cần Senu định vị) trong các tiền đồn. Đây là một loại vật liệu cực kỳ quý hiếm và chỉ nên sử dụng để nâng cấp vũ khí cấp cao.

Đi săn ở đâu? – Khu vực Herakleion Nome là khu vực có số lượng động vật phong phú nhất Ai Cập cổ đại. Đây là địa điểm lý tưởng để Bayek tha hồ đi săn và nâng cấp trang bị cho mình trước khi tiếp tục sứ mệnh.

Thu thập quặng kim loại ở đâu? – Khác với da săn từ động vật, các quặng kim loại thường buộc người chơi chặn đánh các đoàn xe tuần. Trong đó khu vực NGOẠI Ô thành Alexandria là nơi có số lượng xe tuần đông đúc nhất.

Chỉ riêng những nội dung nói trên, Ubisoft năm nay đã tạo ra cho người hâm mộ một Ai Cập thật vĩ đại, kỳ công với hàng tá những bí mật được ẩn giấu đang chờ bạn khám phá trong Assassin’s Creed Origins. Nhưng hãy nhớ, đó chưa phải tất cả mà đúng hơn chỉ là một phần nhỏ, hành trình sắp tới sẽ còn thú vị lắm đấy!

Nguồn: Vietgameasia

Cảm nhận cốt truyện đẫm nước mắt của Final Fantasy XV

Buồn, bi thảm và đen tối, đó là những gì đã xảy ra trong Final Fantasy XV.


Như vậy là một trong những tựa game đáng chờ đợi nhất trong năm 2016 và là tựa game lớn nhất từ trước tới nay của Square Enix – Final Fantasy XV đã chính thức đến tay game thủ trên toàn thế giới. Thành công hay thất bại, hay hay là dở, từ giờ phút này nó thuộc về quyền quyết định và phán xét của người chơi.


Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi sẽ nhận xét về cốt truyện của Final Fantasy XV. Vậy nên bạn hãy thận trọng khi đọc nó nếu không muốn ảnh hưởng tới quá trình trải nghiệm game, bởi bài viết này sẽ nói rất nhiều đến nội dung cốt truyện game.

“Từ rất lâu trước đây, một tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu loài người. Một dịch bệnh đã biến họ trở thành những con quái vật khủng khiếp, mất lý trí. Ở Lucis có một đấng cứu thế, người có thể biến cơ thể mình thành một vật chủ để giam giữ các linh hồn quái vật, vì thế đã cứu được rất nhiều người.
Nhưng đấng cứu thế đó là một kẻ đố kỵ, anh ta không được Tinh Thạch lựa chọn để trở thành Vua của các Vua của Lucis. Căn hận vì điều này, anh ta chối bỏ khả năng cứu rỗi con người, điều đó khiến hắn bị nguyền rủa và trở thành một kẻ bất tử, sống vật vờ không thể siêu thoát. Trong hàng ngàn năm, tâm trí hắn bị ám ảnh bởi sự hận thù và khát khao nhấn chìm thế giới vào bóng tối. Tên hắn là Ardyn Lucis Caelum.”

Final Fantasy XV đã cực kỳ thành công trong việc đánh lừa người chơi về nội dung game. Khi tung ra bộ phim Kingsglaives nói về những sự kiện xảy ra ở Insomia trong thời gian Noctis và nhóm bạn ở ngoại thành, Square Enix đã khiến người xem nghĩ rằng nội dung game sẽ tập trung trọng tâm vào cuộc phục hưng của vị hoàng tử trẻ tuổi cho vương quốc Lucis của mình, chống lại đế chế Niflheim đang thâu tóm thế giới. Nhưng không, mọi thứ không phải như thế, nó là câu chuyện của 4 chàng trai và kẻ bị nguyền rủa Ardyn Izunia.


Toàn bộ trò chơi là hành trình mà Noctis bị giật dây bởi Ardyn, thu phục sức mạnh của những vị vua Lucis cổ, hấp thu sức mạnh của Tinh Thạch, dẫn đến những sự kiện cuối game. Đế chế Niflheim có vai trò rất nhạt nhòa, xuất hiện vài chỗ trong game với những đội quân yếu ớt, vài con Boss trấn giữ. Thậm chí tướng quân Glauca, kẻ thù đã giết chết vua Regis, cha của Noctis cũng không có vai trò gì trong game.


Động cơ của Ardyn là thứ người chơi sẽ phải tìm hiểu trong suốt cả tựa game. Hắn như tên hề Kefka của Final Fantasy VI, dẫn nhân vật chính đi khắp nơi như một con rối, chưa bao giờ ngại chọc tức Noctis bởi hắn biết rằng hắn mãi mãi không thể bị tiêu diệt. Đố kỵ vì Noctis là người được lựa chọn để trở thành Vua của các Vua Lucis, Ardyn tha hóa anh ta, giết Luna, khiến trái tim chàng hoàng tử ngập trong hận thù.

Đồng thời đó, hắn dẫn dắt Noctis thu thập sức mạnh, hấp thu năng lượng của Tinh Thạch, và chờ đợi anh ta ở trận chiến cuối cùng, trận chiến của các vị vua. Giết Noctis một cách dễ dàng không phải là mục tiêu của Ardyn, mà giết anh ta trong thời điểm mạnh nhất mới làm thỏa mãn hắn.


Lunafreya Nox Fleurex, công chúa xứ Tenebrae, hôn thê của Noctis cũng đóng một vai trò quan trọng trong cảm xúc của người chơi. Giống như Aerith của Final Fantasy 7, Luna không phải là một nhân vật mạnh mẽ, thậm chí người chơi còn không thể điều khiển cô, nhưng Luna là chất xúc tác khiến tựa game hay hơn và đen tối hơn nhiều. Chết từ nửa đầu game, nhưng Luna vẫn tiếp tục xuất hiện xuyên suốt game, trong những hồi tưởng của Noctis, khiến cho hành trình trả thù của Noctis vừa ý nghĩa vừa đầy đau khổ.

Final Fantasy XV cũng là tựa game hiếm hoi mà người chơi thực sự cảm thấy sự gắn kết của tất cả các nhân vật chính. Không giống như những phần của phiên bản 13, khi người chơi được điều khiển rất nhiều nhân vật nhưng cuối cùng lại là một mớ bòng bong của cốt truyện và cảm xúc, Final Fantasy XV lại cho người chơi thấy một nhóm bạn bè thân thiết, thứ mà bất cứ ai ngoài đời cũng có: một nhóm những gã con trai chơi thân với nhau. Chỉ có Noctis là nhân vật người chơi có thể điều khiển, nhưng xuyên suốt game, ngay trong lúc chơi, người chơi vẫn nghe được những câu trò chuyện của nhóm 4 người bạn, cảm nhận được họ thực sự là những người bạn bè không thể thiếu của nhau. Tôi đánh giá đây là điểm đáng giá nhất của game, tựa game đầu tiên của dòng game này mà nhóm không nó nữ giới nhưng lại mang lại nhiều cảm xúc như thế.


Về tổng quan, Final Fantasy XV đã mang đến một cốt truyện đột phá, đẫm màu sắc đen tối, buồn bã như Square Enix đã hứa trước đây. Có thể nhiều người chơi sẽ không cảm thấy hài lòng khi gạt bỏ vai trò của đế chế Niflheim một cách mạnh tay như thế, khiến cho tư tưởng mà họ chuẩn bị đã bị bẻ lái một cách mạnh bạo. Nhưng đứng về phương diện xây dựng nhân vật phản diện, game đã thực sự thành công khi Ardyn đã không còn là một con Boss u lì, mạnh mẽ, trâu bò, chờ người chơi ở cuối game nữa, mà hắn rất người, rất bình thường nhưng cũng đủ ghê gớm để giật dây một đế chế thống trị cả thế giới rồi sau đó loại bỏ cả đế chế ấy trong phút chốc. Điều đáng tiếc duy nhất có lẽ là trận đánh cuối cùng lại quá nhẹ nhàng, không mang đến cho người chơi cảm giác sướng khi tiêu diệt một con Boss sống hàng ngàn năm.

Lời nhận xét cuối cùng, tôi nghĩ rằng về mặt cốt truyện, Final Fantasy XV đã thực sự thành công khi gieo vào người chơi những cảm xúc nuối tiếc rất chân thật.

Nguồn: infogame.vn