468x1000 Ads

Wednesday, October 15, 2014

Review Assassin's Creed IV: Black Flag ( Phần 1)

    Chưa phải đỉnh cao của series Assassin's Creed nhưng Black Flag có thể được xếp vào hàng xuất sắc nhất trong thể loại phiêu lưu - hành động.

    Edward Kenway có một ước mơ cháy bỏng - ước mơ đổi đời trở thành một tay cướp biển giàu có - anh bỏ lại sau lưng không chút nuối tiếc cuộc sống nghèo khổ cùng người vợ hiền ở Vương quốc Anh để dấn thân vào chuyến phiêu lưu trên biển đến tận ven Đại Tây Dương xa xôi. Song vận may đã không mỉm cười với anh; chỉ tới khi đã lún quá sâu vào cuộc chiến tranh trường kì giữa hai thế lực Assassin và Knight Templar tại đây, Edward mới nhận ra rằng cuộc sống này có những thứ còn quí giá hơn tiền tài của cải gấp nhiều lần.



    Là phiên bản thứ sáu trong dòng game (chính xác là thứ bảy nếu tính cả phiên bản Liberation trên hệ máy PlayStation Vita, sẽ đổ bộ lên console vào đầu năm sau), Assassin's Creed IV: Black Flag vừa là một sequel (hậu bản), lại vừa có thể được coi là một prequel (tiền bản) của Assassin's Creed III. Lấy bối cảnh vào đầu thế kỉ thứ 18 - thời kì hoàng kim của cướp biển, câu chuyện của Edward Kenway diễn ra trước cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ mà Ratonhnhaké:ton (Connor) hiện diện, nhưng cốt truyện "thực" (tức những gì xảy ra bên ngoài cỗ máy Animus) thì lại tiếp nối những sự kiện sau cái chết của Desmond Miles ở cuối Assassin's Creed III.

Edward Kenway - sát thủ lạ lùng

    Edward Kenway là một nhân vật chính tương đối đặc biệt của series Assassin's Creed, đặc biệt ở chỗ anh hoàn toàn không phải một thành viên trong Hội Sát thủ. Vẫn mang trong huyết quản đầy đủ những kĩ năng leo trèo, ẩn hiện, giết chóc của một sát thủ song sợi dây liên kết giữa anh với tổ chức này là khá mỏng manh. Edward không có vẻ hào hoa lịch lãm của Ezio Auditore, cũng không có dáng dấp chính nghĩa biểu tượng của Altair; khởi đầu câu chuyện trong Black Flag, hình ảnh của anh đơn giản chỉ là một gã trai phiêu lưu, đam mê tiền bạc hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.

     Ở trường đoạn mở đầu, anh đánh cắp bộ trang phục mũ trùm từ xác một tên sát thủ già với ý đồ giả danh hắn hòng đoạt lấy một khoản tiền thưởng hứa hẹn từ những nhân vật mà anh không hề biết rõ. Mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đây khi gã sát thủ đã bị anh kết liễu hóa ra lại đang trên đường "đào ngũ" sang phe Templar. Bằng nhận diện giả của mình, Kenway tiếp cận nhóm Templar và biết được kế hoạch của chúng: Truy tìm Observatory, một công cụ cổ xưa cho phép chủ nhân của nó nhìn qua đôi mắt của bất cứ kẻ nào ở vào bất kì thời điểm nào. Phe Templar cần công cụ này để đơn giản hóa những phi vụ tội ác của chúng, bên Assassin cần nó để ngăn chặn bè lũ Templar, còn Kenway, anh thèm muốn Observatory đơn giản chỉ bởi vì nó có lẽ sẽ là vật được giá nhất trên thế gian này.
  

   Nếu như tiền đề này nghe có vẻ hơi "nghiêm trọng" và không đúng "mùi" hải tặc cho lắm, đừng vội lo lắng. Sau khoảng hai giờ đồng hồ thủ tục đầu tiên nhằm làm quen với gameplay và cốt truyện - ngắn gọn hơn nhiều so với trong các phần Assassin's Creed trước - việc tìm kiếm Observatory được chuyển thành một mục tiêu dài hạn, và mạch truyện của trò chơi quay lại tập trung vào quá trình xây dựng thiên đường cướp biển Nassau: Một vương quốc vô đạo luật thu nhỏ được nuôi dưỡng bởi một nhóm những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật, trong đó có Edward Kenway.

Cốt truyện "ảo" thú vị song chưa chặt chẽ, cốt truyện "thực" thất vọng toàn tập

    Nhìn chung, cuộc hành trình của Edward đem lại những trải nghiệm hết sức thú vị, mặc dù đáng lẽ ra cốt truyện của game nên được kết cấu chặt chẽ hơn. Hai Sequence đầu tiên tỏ ra hơi lê thê, thiếu điểm nhấn và chỉ tới những Sequence cuối cùng Black Flag mới chịu giong buồm phóng hết tốc lực. Dù vậy, kịch bản - yếu tố đã gây dựng nên thương hiệu cho series Assassin's Creed - vẫn phần nào chứng tỏ được giá trị của nó, khi nhóm tác giả của trò chơi đã kết hợp hết sức nhuần nhuyễn những địa danh thực trên thế giới cùng những tay hải tặc khét tiếng thời kì này - như Edward "Blackbeard" Teach, Calico Jack hay Anne Bonny - với cuộc chiến truyền kiếp giả tưởng giữa hai phe Assassin và Templar.



    Thật đáng tiếc kịch bản tương tự đã không lặp lại với mảng cốt truyện "thực" diễn ra ở thời điểm hiện tại. "Đâm lao phải theo lao" - Ubisoft có lẽ giờ đây đã bắt đầu cảm thấy gánh nặng không rũ bỏ nổi từ hệ thống cốt truyện song song mà họ đã cố công đầu tư từ năm 2007, khi mọi thứ không còn đặc sắc và lạ lẫm như thời điểm ban đầu nữa. Với việc người quen Desmond đã chính thức lùi lại phía sau sân khấu, giờ đây dưới góc nhìn first - person, bạn nhập vai một nhân viên câm lặng, không rõ hình thù mặt mũi của tập đoàn Abstergo, được giao nhiệm vụ "sống lại" chuỗi kí ức của Edward Kenway thông qua cỗ máy Animus để Abstergo Entertainment dựa theo đó phát triển một bộ phim tương tác lấy bối cảnh về thời kì hoàng kim của cướp biển (dĩ nhiên đó chỉ là vỏ bọc của một kế hoạch thâm hiểm hơn nhiều).

    Gọi đây là một "mảng cốt truyện" thực ra cũng không chính xác; đây chỉ là một tập hợp các phân cảnh "giết thời gian" với một cái kết kì quặc có mà như không. Cứ sau khoảng 2 - 3 Sequence trong mạch truyện quá khứ của Kenway sẽ lại có một phân cảnh như thế diễn ra, thường kéo dài chỉ khoảng 5 phút, mặc dù nếu như bằng cách nào đó đột nhiên bạn cảm thấy chúng thú vị hơn việc đắm chìm ngay trở lại vào Animus, bạn hoàn toàn có thể đi lang thang khám phá các gian phòng hiện đại của Abstergo Entertainment và hack các máy tính tại đây để biết thêm thông tin về tập đoàn này.
    Giống như cấu trúc của các phiên bản trước, game thủ sẽ được trải nghiệm lần lượt các "mảnh" hồi ức của Kenway (các Sequence), mỗi "mảnh" lại được chia ra làm những nhiệm vụ lớn với những nhiệm vụ phụ đi kèm (cần phải hoàn thành nếu muốn đạt 100% điểm hoàn thiện nhiệm vụ lớn). Những nhiệm vụ phụ này đã được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ hơn và có phần khả thi hơn nhưng vẫn không đánh mất đi độ thử thách (đặc biệt "khó nhằn" là các nhiệm vụ phụ trong các màn chơi trên biển). Bên cạnh các nhiệm vụ theo cốt truyện còn có 100 minigame thử thách (Abstergo Challenge) được chia ra theo nhiều phong cách chơi khác nhau.

    Trong số này có những thử thách rất đơn giản mà người chơi gần như chắc chắn sẽ hoàn thành trong quá trình chơi mục singleplayer bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn như synchronize 5 viewpoint (những địa điểm trên cao nhìn bao quát một khu vực như tháp canh, cột cờ,...), móc túi 5 NPC... nhưng cũng có những thử thách rất khó và mất thời gian như giải mã tất cả những câu đố Mayan cổ hay sống sót qua 10 lần bị cá mập tấn công. Đó là còn chưa kể tới 200 Animus fragment, các trang bản thảo, các bức thư nhét trong chai, các bản hò kéo thuyền của thủy thủ,... để bạn tìm kiếm, mặc dù thực sự có giá trị vật chất trong số này thì chỉ có những tấm bản đồ kho báu mà thôi. Game thủ hoàn toàn có thể phớt lờ hết những "phụ gia" này và tập trung lèo lái mạch truyện chính, và ngay cả nếu như vậy, game vẫn sẽ tiêu tốn ít nhất là 30 giờ đồng hồ thời lượng chơi, một con số đáng nể.

    Trên đất liền, mọi thứ hầu như na ná nhau. Havana hay Nassau đều rất rộng lớn về diện tích nhưng lại không có những khu đô thị sầm uất hay những công trình kiến trúc tráng lệ của Rome trong Assassin's Creed: Brotherhood và Constantinople trong Assassin's Creed: Revelations. Tuy nhiên, vẫn có vô vàn thứ để người chơi khám phá xung quanh khu vực quần đảo đồ sộ của Black Flag. Bạn sẽ lướt qua những làng chài rách rưới nép mình dưới chân núi, những hòn đảo nhiệt đới lấp lánh rương báu và cả những thành phố cảng khá văn minh, tôn ti trật tự như Kingston - một bản sao của Boston trong Assassin's Creed III. Vẫn như mọi khi, bạn sẽ phải leo lên những vị trí trên cao để do thám các khu vực của một thành phố hay một hòn đảo (hoạt động này được gọi là synchronize), từ đó làm lộ ra những rương báu, cửa hiệu và nhiệm vụ phụ trong khu vực đó. Các tuýp nhiệm vụ phụ này bao gồm ám sát, cướp nhà kho và giải cứu cướp biển, được đặt tại những địa điểm rộng rãi có lính Anh hoặc lính Tây Ban Nha đi tuần và cho phép bạn tùy ý áp dụng bất cứ cách thức nào để giải quyết mục tiêu.

     Những nhiệm vụ như thế giống với những gì mà người ta đã từng tưởng tượng về tương lai của Assassin's Creed khi series này mới ra mắt vào năm 2007 hơn nhiều so với những nhiệm vụ chính theo cốt truyện, vốn lặp lại quá nhiều mô típ nghe lén - bám đuôi mục tiêu mặc dù đã có những sự cải tiến nhất định so với những màn chơi đầy bug và hạn hẹp lựa chọn trong Assassin's Creed III. Để cướp một nhà kho, trước hết bạn cần "quét" qua một lượt khu vực xung quanh để tìm kẻ giữ chìa khóa, đánh cắp nó (hoặc cướp nó từ xác hắn) rồi tìm cách tới được cửa nhà kho mà không bị bắn hạ bởi lính canh hoặc những tay súng hỏa mai đứng trên chòi gác.

      Cơ chế lén lút stealth đã được siết chặt để khiến chuỗi công việc này trở nên thú vị hơn. Những lùm cây cỏ um tùm mọc ở khắp mọi nơi đem lại những địa điểm ẩn nấp chiến lược và mục tiêu của bạn thì có thể được "đánh dấu" nhờ chế độ Eagle Vision "thần thánh" của Kenway, cho phép bạn... nhìn xuyên tường lần theo dấu vết của lính canh - một lợi thế quan trọng, song đổi lại, bạn sẽ không còn sở hữu bộ dao găm phi tiêu "one shot, one kill" đã từng biến những thử thách tương tự thành "trò trẻ con" trong những phiên bản trước nữa. Thay vào đó bạn có trong tay chiếc ống thổi phi tiêu blowpipe, có thể dùng luân phiên hai loại phi tiêu: Loại gây mê (sleep dart) để knockout đối thủ trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc loại có chứa độc tố (berserk dart) để đưa kẻ địch vào trạng thái điên giận vô thức.

(Còn Tiếp)

0 nhận xét:

Post a Comment