Mặc dù ở lần trở lại này Garrett chưa biến thành một cỗ máy giết chóc như Corvo Attano, Ezio Auditore hay Agent 47, anh cũng đã học thêm được một số "chiêu trò" mới khi bắt buộc phải đánh "giáp lá cà". Giờ đây Garrett có thể nhanh nhẹn né những nhát kiếm của địch thủ và đánh trả bằng chiếc dùi cui ngắn của anh cho tới khi biểu tượng cho phép kết liễu kẻ địch hiện lên trên màn hình. Cử động của cả hai "đấu sĩ" trông đều khá thô kệch và buồn cười trong những tình huống này; Garrett thì vô cùng "pha lê", có thể gục ngã chỉ sau vài ba nhát chém, nhưng dù gì thì đây vẫn là một bước tiến lớn so với cơ chế chiến đấu vụng về trong những phiên bản trước.
Tất nhiên, cách nhanh và an toàn nhất để chiến thắng một trận đấu trong THIEF vẫn là... lủi đi hoặc tấn công bất ngờ từ trong bóng tối. Hãy luôn nhớ rằng trò chơi này mang tên là THIEF chứ không phải Assassin; bạn có thể xử lí một tên địch không vấn đề gì nhưng từ hai tên trở lên và bạn nên chạy đi là vừa! Mỗi màn chơi trong game sẽ kết thúc với các chỉ số thống kê dựa trên cách mà game thủ đã chơi, gần giống với một tựa game stealth action khác ra mắt cách đây chưa lâu là Splinter Cell: Blacklist.
Bạn đã chơi theo kiểu Ghost, khéo léo len lỏi qua các đối thủ, không bị chúng phát giác dù chỉ một lần? Bạn là một "Kẻ cơ hội" (Opportunist) thích sử dụng môi trường làm lợi thế? Hay bạn là một Predator, sẵn sàng đánh gục hay giết hại bất cứ kẻ nào ngáng đường Garrett? THIEF cho phép người chơi tự do lựa chọn phong cách chơi phù hợp với mình và sự linh hoạt đó cũng là một trong số những điểm mạnh nổi bật nhất của trò chơi này.
Khả năng tự tùy biến trải nghiệm của game thủ không dừng lại ở ba phong cách trên. Màn hình trực diện HUD và các mức thiết lập độ khó cũng có thể được tùy chỉnh, và đây có lẽ là việc mà những người chơi đam mê thử thách cũng như các fan "ruột" của THIEF sẽ làm đầu tiên sau khi cài đặt trò chơi. Game có ba mức thiết lập độ khó cơ bản - Rogue, Thief, Master - và mỗi mức thiết lập này đều có thể được tùy chỉnh theo ý muốn. Bạn không ưa tính năng Focus ư? Tắt nó đi. Không có hứng thú với việc nâng cấp nhân vật? Vứt bỏ nó đi. Muốn trò chơi giống với những phiên bản THIEF cổ điển hơn? Tắt bỏ cơ chế lưu game ở giữa mỗi màn chơi đi và chỉ cho phép takedown đối thủ từ phía sau. Muốn Thief trở thành một cuộc chiến "cân não"... không dành cho người yếu tim? Hãy bật chế độ chơi lại từ đầu chapter mỗi khi bị phát hiện (nên nhớ mỗi chapter kéo dài xấp xỉ một giờ đồng hồ).
Các fan muốn tái tạo lại màn hình HUD quen thuộc của những phiên bản trước có thể tắt bỏ những thứ "râu ria" như các thanh đo Life và Focus, các biểu tượng tương tác xuất hiện trên màn hình, ánh sáng nhấp nháy của những món đồ giá trị và cả minimap nữa. Biểu tượng chỉ đường là thứ đặc biệt nên được tắt bỏ đi ngay lập tức. Game thủ nên chơi THIEF một cách chậm rãi, nên khám phá tất cả mọi thứ. Nếu chỉ đơn thuần chạy từ điểm A tới điểm B, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều.
Tuy nhiên công bằng mà nói, đi "lan man" khỏi con đường dẫn tới nhiệm vụ theo cốt truyện chỉ là việc nên làm khi bối cảnh trong game đủ hấp dẫn để thuyết phục bạn, và trong suốt quá trình chơi THIEF, The City đã không làm được điều đó. Đây là điều hết sức bất ngờ, bởi hãng phát triển Eidos Montreal đã từng thiết kế nên Deus EX: Human Revolution, một tựa game được ca ngợi hết lời bởi phong cách xây dựng màn chơi cũng như thế giới mở rất khéo léo và chi tiết.
Dù The City giờ đây trông đã lộng lẫy hơn nhiều với sự trợ giúp của nền đồ họa tân tiến, thành phố này vẫn bị bao trùm bởi sự thiếu chiều sâu và trống rỗng. Trước khi bắt đầu mỗi nhiệm vụ chính người chơi có thể tự do khám phá The City, đột nhập vào các căn hộ, cướp bóc, khám phá những bí mật, làm nhiệm vụ phụ - tất cả thoạt nghe thì có vẻ rất lôi cuốn nhưng thật không may đã lại vướng phải vấn đề mà phiên bản Deadly Shadows trước đây từng gặp: Tận dụng engine kém.
Bởi THIEF là một game đa hệ, được phát hành cho next - gen nhưng đồng thời lại phải giảm tải sao cho phù hợp cả với cỗ máy Xbox 360 nên những đường phố của The City vô cùng chật hẹp, bị sắp đặt lung tung, phải loading quá nhiều mỗi khi muốn chuyển sang khu vực khác, có quá ít bóng dáng cư dân ngoài lính gác và những kẻ ăn mày và quá đỗi một chiều trong khâu thiết kế. Rất nhiều cánh cửa không thể mở ra được (một số thì chỉ mở được khi nhận nhiệm vụ phụ), nhiều lối đi sang khu vực khác của thành phố không được game đánh dấu và không có những lựa chọn khác (chẳng hạn như fast travel) để người chơi di chuyển xung quanh dễ dàng hơn.
Vô số những căn hộ mà game thủ đột nhập bất hợp pháp trong The City đều tỏ ra đơn điệu như nhau. Chẳng có cảm giác gì là có người ở trong đó cả và trộm cắp dễ dàng như vậy thì chẳng... thú vị chút nào. Tương tự là nơi ở và làm việc của chính Garrett, một tháp đồng hồ bỏ hoang. Người chơi sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập những món đồ quí hiếm mà anh đã đánh cắp được cùng một chiếc giường và vài rương đồ, nhưng chẳng có gì cho ta biết thêm về tính cách hay quá khứ của Garrett cả. Tòa tháp vẫn hoạt động nhưng hoạt động một cách vô thức, chỉ đóng vai trò một điểm dừng chân giữa mỗi nhiệm vụ chính khi muốn cất một vài trang thiết bị hoặc ngắm nhìn kho của cải bất chính của mình.
Khoảng giữa game, người chơi sẽ có chuyến "viếng thăm" bất trắc tới nhà thương điên Moira. Màn chơi này là phiên bản tái hiện lại của Shalebridge Cradle, trại mồ côi cháy trụi trong THIEF: Deadly Shadows. Bất chấp những giới hạn của công nghệ đồ họa thời điểm đó, Shalebridge Cradle, cùng với Ravenholm của Half-life 2, được xem là hai trong số những màn chơi đáng sợ nhất từ trước tới nay trong các tựa game không thuộc thể loại kinh dị. Nhưng màn chơi này đáng nhớ không chỉ bởi những khoảnh khắc sợ hãi mà còn bởi câu chuyện chứa đựng trong đó. Eidos Montreal xứng đáng nhận được những lời khen ngợi khi đã cố gắng dàn dựng lại một phiên bản mới nơi Moira Asylum để đem lại cảm giác thân thuộc cho các fan của series THIEF, tuy nhiên so sánh với Shalebridge và tính bi thảm của nó, Moira Asylum thực sự tỏ ra lép vế. Một vài pha hù dọa giật nảy mình được game làm rất tốt, nhưng màn chơi này, cũng giống như phần còn lại của thành phố The City, chẳng có cốt truyện gì cụ thể cả.
0 nhận xét:
Post a Comment