468x1000 Ads

Monday, November 17, 2014

"Sát thủ cấu hình" - Những game trở thành "ác mộng" của PC

Cho dù nguyên nhân là do tối ưu hóa kém hay sử dụng engine đặc biệt, đây vẫn là những game người ta nhắc đến khi bàn về PC cấu hình "khủng"

Nếu như "cơn ác mộng" thường trực của console là khoảng thời gian dài đằng đẵng chờ cài đặt và xác thực game thì đối với PC, cấu hình không đủ mạnh chính là nỗi lo lớn nhất của họ. Đã từng có rất nhiều người than phiền về việc những game yêu thích của mình không thể chạy nổi ở độ phân giải full HD chỉ bởi vì card đồ họa không được như yêu cầu. Và tất nhiên họ không phải là trường hợp cá biệt. Nếu như gặp gặp phải một trong những game dưới đây, phần lớn bộ phận game thủ hiện nay cũng chẳng thể đáp ứng được cấu hình để có thể chạy ở độ phân giải 1080p và tốc độ 60fps.

Assassin's Creed: Unity

Năm nay là một năm đặc biệt với Ubisoft, không phải bởi họ có thành tích gì nổi bật xuất sắc mà là bởi họ có đến 2 "bom tấn", có lẽ không đến nỗi "xịt" nhưng phải hứng chịu vô số chỉ trích từ game thủ, đó là Assassin's Creed: Unity và Watch Dogs. Cũng giống như người anh em của mình, Assassin's Creed: Unity hứa hẹn mang lại một trải nghiệm next-gen cho game thủ. Có lẽ nếu gạt chuyện đồ họa (vốn thành công thật sự) sang một bên và coi chuyện gặp bug, glitch như gặp bạn bè cũng là một phần của next-gen thì hẳn Assassin's Creed: Unity đã thành công.


Không chỉ đòi hỏi một cấu hình khủng khiếp đến mức khó tin, game còn gặp những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sụt giảm fps, không tương thích cấu hình với AMD cùng một loạt các lỗi khác. Có lẽ năm nay Ubisoft chỉ có thể hi vọng Far Cry 4 sẽ cứu được danh dự của mình.

Crysis 3

Trong suốt một thời gian dài, series Crysis luôn được xem như là biểu tượng, là đại diện xuất sắc của các "sát thủ cấu hình". Cho dù Crytek từng tuyên bố nếu "cân" được Crysis 2, người chơi cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn với Crysis 3, tất nhiên với mức thiết lập từ thấp đến trung bình, và xem ra họ đã giữ đúng lời hứa, thế nhưng rất nhiều game thủ đã phải "khóc ròng" khi cỗ máy chơi game của họ dù tốt nhưng vẫn nằm ngoài "mắt xanh" của nhà phát triển.


Không thể tạo ra cuộc cách mạng và gameplay giống như phiên bản đầu tiên, ít nhất Crysis 3 vẫn là một game sinh ra để khoe đồ họa. Với thiết lập đồ họa mức cao nhất và thấp nhất không có nhiều khác biệt, Crysis 3 vẫn có khả năng nằm trong danh sách những game có đồ họa chân thực nhất và "sát" cấu hình nhất thêm vài năm nữa.

Metro series

Metro 2033 và Metro: Last Light từng nổi tiếng với chuyện đòi hỏi một cấu hình tương đối cao, vì thế không có chuyện Metro Redux sẽ đứng ngoài lề. Công bằng mà nói, phiên bản Redux của Metro 2033 có phần được đánh giá tốt hơn game gốc, không phải chỉ vì đồ họa đẹp hơn mà còn bởi được tối ưu hóa tốt hơn.

Bốn năm về trước, 4A Games đã tung ra sản phẩm đầu tay của họ mang tên Metro 2033. Ngay lập tức, game đã nhận được không ít đánh giá trái chiều từ cả cộng đồng game thủ cũng như những trang web về game uy tín trên thế giới. Nếu nói là game hay thì điều này đúng với 2033: Trò chơi đã thành công trong việc tạo ra một bầu không khí ảm đạm từ thành phố Moscow hoang tàn và đổ nát sau thảm hoạ hạt nhân kết hợp cùng gameplay bắn súng chuẩn mực. Thế nhưng một số người cho rằng, tựa game có phần "kiêu" khi sở hữu nền đồ hoạ không quá ấn tượng nhưng lại đòi hỏi cấu hình rất khủng khiếp.


Vẫn đem lại cho game thủ những hình ảnh lột tả hoàn hảo cảnh tượng hoang tàn của Moscow năm 2034, thế nhưng người chơi nhận ra, Metro Last Light không hề nhẹ nhàng trong vấn đề cấu hình. Kể cả để ở mức thiết lập thấp, full HD trên một máy có cấu hình tương đối tốt, tốc độ game vẫn chỉ 15-45 FPS, khá khó chịu đối với một game hành động bắn súng..

Battlefield 4

Nếu từng sững sờ trước cấu hình của Battlefield 3 năm 2011, có lẽ game thủ không nên quá ngạc nhiên với đòi hỏi của Battlefield 4 hai năm sau đó. Battlefield 4 được xây dựng trên engine Frostbite 3 (là sự cải tiến từ engine Frostbite 2 được sử dụng để xây dựng Battlefield 3). Engine Frostbite 3 đem lại cho game thủ những trải nghiệm tuyệt vời về đồ họa và vật lý của game với các hiệu ứng cháy nổ, đổ bóng, các hiệu ứng vật lý chân thực và đẹp mắt đến không ngờ.


Tất nhiên cái gì cũng phải có giá của nó. Với Battlefield 4 cái giá để được trải nghiệm những sự tuyệt vời đó không hề rẻ một chút nào khi cấu hình được DICE đưa ra là khá "khủng bố", ít nhất là đối với các game thủ Việt ở thời điểm nuôi mộng chờ ngày chơi siêu phẩm này.

Call of Duty: Ghosts

Call of Duty xưa nay nổi tiếng nhẹ về cấu hình nhưng dung lượng cài đặt lúc nào cũng khá khủng. Tuy không thay đổi gì về engine đồ họa cũng như những màn chơi chỉ kéo dài không quá một ngày nhưng sau khi cài đặt chiếm rất nhiều dung lượng ổ cứng. Với Call of Duty : Ghosts, Activision đã làm game thủ phải thật sự hoảng hốt khi đòi hỏi tới 50GB dung lượng ổ cứng để cài đặt trong phiên bản PC và một cấu hình đến "lão làng" cũng phải ngán ngẩm (tối thiểu yêu cầu RAM 6GB và card GTX 550 Ti , vô tình thách thức luôn cả Crysis).


Đối với một tựa game sở hữu đồ họa bình thường và không có gì đặc sắc như COD : Ghosts, thì việc này đang gây nên một tranh cãi lớn giữa nhà phát triển và các fan hâm mộ. Chỉ biết từ sau năm 2013, ngôi vị "sát thủ phần cứng" của Battlefield và Crysis phải san sẻ cho rất nhiều game khác (đôi khi cấu hình cũng có thổi phồng ít nhiều nhưng chuyện phải có máy mạnh mới chơi được vẫn là sự thật).

(Nguồn: Sưu tầm)

0 nhận xét:

Post a Comment