468x1000 Ads

Wednesday, May 6, 2015

Bloodborne - thợ săn, quái vật và máu

Bloodborne là tựa game thấm đậm công thức thành công từng được áp dụng với Dark Souls I và II.


>> Lara Croft sẽ rất khổ sở trong Rise of the Tomb Raider
>> Resident Evil – nỗi sợ đến từ những cánh cửa

Nếu đã chơi qua Dark Souls, game thủ sẽ cảm thấy không quá lạ lẫm khi bước vào thế giới của Bloodborne, một thế giới u ám, đen tối, với lũ quái vật hung hãn chực chờ ở mọi ngóc ngách hòng "xử đẹp" bất cứ kẻ lạ mặt nào xuất hiện.

Bloodborne đưa người chơi làm quen với một người thợ săn bí ẩn (do chính người chơi tự tạo trước khi bắt đầu game) trên con đường tìm thuốc giải cho một bệnh dịch bí ẩn, đang dần biến những cư dân vô tội thành những con quái vật khát máu. Trên hành trình của mình, game thủ sẽ chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng, đầy tang thương trước khi nhận ra mình đang cô độc trong bóng đêm thành phố Yharnam, và rồi đâu đó từng đàn quỷ dữ khát máu xuất hiện.

Người thợ săn bí ẩn và đơn độc.
Tuy có mối liên hệ khá mật thiết với series Souls, Bloodborne không quá khó như Dark Souls và cũng không u ám bằng, đồng thời thế giới trong trò chơi cũng có vẻ hiện đại hơn, thể hiện qua phong cách kiến trúc Gothic ở các tòa nhà, cũng như sự xuất hiện của những loại súng đạn khá thô sơ. Mặc dù vậy phần lớn thời gian trong game, người chơi vẫn chủ yếu sử dụng các món hàng lạnh như kiếm, thương, rìu, với một phong cách hành động gợi nhớ về Dark Souls.

Tuy có súng, nhưng đao kiếm vẫn là những vũ khí chính trong Bloodborne.
Chiến đấu trong Bloodborne đòi hỏi khá nhiều sự tinh tế và chuẩn xác. Không có thao tác đỡ đòn, không có khiên chắn để che đỡ trước đòn tấn công của đối phương, điều game thủ cần quan tâm là làm sao chọn đúng thời điểm để né đòn, và sau đó là tung ra những pha đánh trả.

Một thứ đáng lưu ý của Bloodborne so với những tựa game hành động chặt chém góc nhìn thứ ba khác, đó là cơ chế khóa đối tượng. Khi bật khóa vào một kẻ địch nào đó, người chơi chỉ có thể tiến đến gần hoặc lùi xa đối phương, và phải mở khóa trước khi có thể thực hiện những pha nhào lộn tránh đòn. Thoạt tiên ý tưởng này có vẻ khá gò bó, nhưng dần dần khi đã thông thạo, việc đối đầu 1-1 với những con quái vật hung hãn, đặc biệt là trùm, sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Các pha cận chiến tay đôi cũng không xuất hiện nhiều ở Bloodborne như trong Dark Souls. Với sự đa dạng về các chủng loại vũ khí (mặc dù thua kém Dark Souls), cũng như chiêu thức đặc biệt của mỗi loại (chậm hơn nhưng mạnh hơn so với chiêu thức thông thường), người chơi sẽ có nhiều lựa chọn để kết liễu đối thủ hơn. Súng đạn trong game chỉ đóng vai trò hỗ trợ, với khả năng đánh ngã kẻ địch để dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng kẻ địch cũng được trang bị những vũ khí tương tự, bởi vậy cần phải hết sức đề phòng.

Sự ảnh hưởng của Dark Souls hiện rõ trong yếu tố nhập vai của Bloodborne. Dần dần trong quá trình chơi, game thủ sẽ nâng cấp được các chỉ số cho nhân vật cũng như vũ khí và giáp trụ ở Hunter’s Dream, để sẵn sàng cho những con boss khó nhằn hơn dần xuất hiện ở cuối game.

Có nhiều thứ để nâng cấp cho nhân vật của bạn.
Nhà sản xuất đã rất xuất sắc trong việc thiết kế môi trường trong game, nó giống như một thế giới thống nhất được liên kết chặt chẽ, chứ không phải là những màn chơi rời rạc được thiết kế ngẫu nhiên như ở nhiều trò chơi khác.

Môi trường được thiết kế khá ấn tượng.
Ngoài ra trong hành trình, sẽ có những hầm ngục xuất hiện ngẫu nhiên với số lượng quái vật và trùm cực kỳ đông đảo. Ý tưởng có vẻ tốt nhưng thực sự những hầm ngục này (tên gọi trong game là Chalice Dungeon) khá giống nhau về kết cấu, chưa thực sự tạo ra những khác biệt riêng.

Khám phá Chalice Dungeon.
Bloodborne là một tựa game với phần nghe nhìn cực kỳ xuất sắc. Từng đống đổ nát, từng góc phố, hầm ngục được tái hiện chi tiết, thể hiện rõ vẻ âm u và tang thương của một thành phố chết chóc. Cùng với đó là những con quái vật ghê rợn và mang đầy vẻ hung dữ. Tiếng gió thổi qua từng góc nhà, cửa sổ cho đến âm thanh gầm gừ ghê rợn từ lũ quái vật đều mang lại cảm giác đáng sợ như chính người chơi đang hòa mình trong thế giới của trò chơi.

Dĩ nhiên không thể không kể đến máu. Máu ở khắp mọi nơi, máu bắn ra điên cuồng từ lũ quái vật khi dính đòn, máu dính trên từng đồ vật, càng tăng thêm chất khắc nghiệt và tang tóc cho không khí game. Tuy vậy để đổi lại, cỗ máy PS4 mới ra mắt cũng tỏ ra không chịu nổi "nhiệt", khi khung hình thường xuyên bị tụt thê thảm, cùng với đó là thời gian nạp màn cực lâu, điều khá đáng tiếc cho một hệ máy chỉ ra mắt cách đây không lâu.

Máu ở khắp nơi.
Bloodborne dường như đã đẩy cỗ máy PS4 đến giới hạn của nó, tuy vậy không thể phủ nhận rằng đây là tựa game có chất lượng vào hàng tốt bậc nhất game thủ có thể tìm được trên hệ máy này, tính đến thời điểm game ra mắt. Bloodborne thực sự là một tựa game gần như hoàn hảo, một món giải trí tuyệt vời, một kẻ kế thừa không chính thức đáng tự hào của Dark Souls.

Ưu điểm
- Gameplay tinh tế và linh hoạt.
- Môi trường thiết kế xuất sắc.
- Khắc họa rõ nét sự u ám và tang tóc.
- Hình âm hoàn hảo.

Khuyết điểm
- Khung hình trồi sụt khá thất thường.
- Nạp màn khá lâu.

0 nhận xét:

Post a Comment