Nhiều game thế giới mở đưa fast travel (điểm di chuyển nhanh) để giúp game thủ tiết kiệm thời gian. Nhưng điều này liệu có cần thiết?
>> Những kiểu AI ngớ ngẩn nhất trong game
>> Total War: Attila vực lại lòng tin người hâm mộ
Nhiều người tin rằng, hệ thống Fast Travel là một phần không thể thiếu của các game thế giới mở. Quả thực, sandbox hay open world game là những game được thiết kế theo cách mà người chơi có thể đi lại tự do trong một thế giới ảo, và khá tự do trong việc quyết định khi nào và làm thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ. Thế giới trong các game này thường khá rộng, và có nhiều thứ (người hay vật) mà người chơi có thể tương tác. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ, chỉ đơn giản rong chơi, "nghịch ngợm" trong thế giới của game cũng mang lại nhiều điều thú vị. Do đó, để "cày nát" được một game thế giới mở người chơi phải tốn rất nhiều thời gian, không phải chỉ hàng chục giờ mà là hàng trăm giờ khám phá.
Thế nhưng, game thủ sẽ không phải chịu cảnh di chuyển từ đầu bản đồ đến cuối bản đồ nhờ vào một thứ: hệ thống Fast Travel. Bớt được thời gian di chuyển đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều thời gian để làm nhiệm vụ, tìm kiếm những thứ có thể mở khóa được hay chỉ đơn giản để không phải bực mình do bị tấn công dọc đường vì một lý do nào đấy.
Tóm lại, có hệ thống Fast Travel, game sẽ vui hơn nhiều.
Nhưng khi nào đường đi tắt không thực sự cần thiết nữa?
Fast Travel là một công cụ quý giá cho những ai chỉ có quỹ thời gian khá hạn hẹp, thế nhưng lạm dụng nó thì không tốt chút nào vì game thủ có thể đánh mất rất nhiều thứ. Chẳng hạn, đó có thể là những kinh nghiệm sống còn đặc biệt chả có hướng dẫn nào viết về nó, chỉ có game thủ tự đúc kết lại và tự hiểu. Chúng ta không phủ nhận vai trò của Fast Travel, nhưng chúng ta cần hiểu khi nào sử dụng nó mới là đúng lúc.
Review game lấy game Skyrim làm ví dụ. Trong game, người chơi chỉ có hai phương tiện phổ biến: đi bộ hay cưỡi ngựa. Do đó, để giúp game thủ tiết kiệm thời gian, Fast Travel đã được đưa vào, nhân vật có thể dịch chuyển tức thời đến những nơi mình đã đi qua. Đối với những người đang bận làm nhiệm vụ, đây là một điều khá hữu ích. Thế nhưng, hãy xem nếu lạm dụng Fast Travel, người chơi sẽ bỏ lỡ những điều gì.
Các nhiệm vụ, trận đánh và địa điểm cũng là một phần của trò chơi. Có rất nhiều nhiệm vụ đặt dọc đường đi từ nơi này đến nơi khác chỉ có thể kích hoạt được khi đi bộ. Những nhiệm vụ như vậy khuyến khích người chơi khám phá thế giới mà nhà phát triển tạo ra. Hoàn thành những nhiệm vụ ấy không chỉ đem lại cho game thủ những món quà lớn mà còn hiểu hơn về cốt truyện, về những gì đang xảy ra xung quanh nhân vật. Không chỉ vậy, kinh nghiệm sinh tồn, chiến đấu người chơi học được từ các chuyến đi cũng là những thứ vô giá mà nếu không đi bình thường, chắc chắn game thủ sẽ chẳng học được
Bên cạnh những nhiệm vụ phụ và những kinh nghiệm học được, có những game còn yêu cầu người chơi phải tự đi tìm để phát hiện được những địa điểm không xuất hiện trong bản đồ. Chẳng hạn, trong Fallout 3 và Fallout: New Vegas, có những địa danh quan trọng chỉ có thể tìm thấy bằng cách nghe theo chỉ dẫn của NPC và khảo sát địa hình của một khu vực một cách kỹ lưỡng.
Di chuyển nhanh không cần đến Fast Travel
Tất nhiên sẽ có lúc game thủ tự thấy mình không cần phải dùng đến Fast Travel, đó là khi họ nhận ra được những điều đã kể ở trên. Đối với những người tập trung vào "cày" thứ hạng hay hoàn thành game nhanh chóng thì Fast Travel là thứ hữu ích, nhưng đối với người khác thì không. Vì thế, người chơi vẫn có hai lựa chọn: di chuyển nhanh chóng để hoàn thành game hay chậm rãi từ từ để hiểu được hết cái hay, cái đẹp của game. Vì thế, luôn có những cách để đi nhanh mà không phải dùng đến Fast Travel.
Cưỡi ngựa là một giải pháp phổ biến trong hầu hết các game RPG, nhất là với các đề tài kỳ ảo và thời trung cổ, người chơi vẫn có thể đi vòng quanh bản đồ với tốc độ nhanh hơn đi bộ nhiều mà không lo bỏ sót mất nhiệm vụ phụ hay bất kỳ cơ hội nào để có thể tăng điểm kinh nghiệm cũng như thêm tiền bạc cho hành trình dài này. Ngoài ra, với các game có bối cảnh là một thành phố hiện đại, xe hơi cũng có chức năng tương tự. Như vậy, vấn đề cuối cùng chỉ là liệu người chơi có muốn dùng đến những phương tiện này không mà thôi.
Hãy chậm lại và thưởng thức
Đồ họa game ngày nay đang đạt đến ngưỡng gọi là siêu thực – nhờ vào sức mạnh của GPU cũng như khả năng của các bộ engine game đang được nâng cấp từng ngày. Nhà phát triển game và họa sĩ cũng nhờ vậy mà đem đến một thế giới càng ngày càng gần gũi với thế giới ở bên ngoài chiếc máy tính. Vẻ đẹp trong game không chỉ đơn thuần là cảnh vật, đó còn là tâm huyết của những người làm nên nó. Với sự xuất hiện của các dự án thực tế ảo như Oculus Rift và HoloLens, khoảng cách giữa thực và ảo nay dường như không còn nữa, và game đáng để cho chúng ta chậm lại, thưởng thức nhiều hơn.
Mà suy cho cùng, đi xe hay cưỡi ngựa dạo phố vẫn thú vị hơn nhiều.
0 nhận xét:
Post a Comment