468x1000 Ads

Friday, February 6, 2015

Total War: Attila vực lại lòng tin người hâm mộ

Attila có đi vào vết xe đổ của Total War: Rome II khi ra mắt vào ngày 17/2 tới đây.

>> Review [PC] Shogun 2 Total War
>> Review [PC] Total War: Rome II - chinh phục thế giới cổ đại

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, Total War: Attila – phiên bản mới nhất của series game chiến thuật "đại thụ" này sẽ chính thức lên kệ. Tuy nhiên, có vẻ như không ít người hoài nghi về sản phẩm mới này, ngay cả chính những fan lâu năm. Bởi lẽ cách đây hơn một năm khi Total War: Rome II ra mắt, nó đã trở thành một "nỗi hổ thẹn" trong mắt nhiều game thủ bởi những bất cập trong lối chơi và vô số bug (lỗi). Trải qua một năm ròng rã với hàng đống bản vá chằng chịt, Rome II mới có thể gọi là một tựa game "chơi được" như hiện nay. Liệu Attila có đi và vết xe đổ của người đàn anh hay không? Hãy cùng điểm qua những yếu tố mới mẻ của trò chơi đã được "bật mí" cho đến giờ phút này.

Bối cảnh "quen mà lạ"
Total War: Attila khởi đầu vào năm 395 sau Công Nguyên, tức chỉ mười một năm trước khi nhà cầm quân lừng lẫy, kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp châu Âu, mở đầu cho Thời kỳ Đen tối (Dark Ages) kéo dài hàng trăm năm: Attila Hung Nô – ra đời. Thoạt nghe có vẻ mới mẻ nhưng đối với những game thủ đã từng chinh chiến Rome: Total War cách đây gần mười năm thì chẳng xa lạ gì, bởi bối cảnh này cũng là những gì bản mở rộng Barbarian Invasion đã thể hiện. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một phụ bản tương tự dành cho Rome II, hay nói đúng hơn: một sản phẩm "vắt sữa" khác của Creative Assembly và Sega?

Attila được xây dựng trên cùng engine Warscape của Rome II.
Như để làm dịu sức ép từ người hâm mộ, thiết kế trưởng dự án – Janos Gaspar đã phát biểu: Tôi sẽ không gọi đây là bản mở rộng, nó là một thứ hoàn toàn mới. Total War: Attila được xây dựng trên nền Warscape engine được cải tiến, nhưng sức mạnh của bộ engine đã bảy năm tuổi (từ thời Empire: Total War) hẳn khiến game thủ đặt dấu hỏi về chất lượng của trò chơi. Diễn ra sau Rome II hơn 360 năm, chế độ chơi chiến dịch của Attila tuy có kích thước bản đồ tương đồng với phần trước nhưng vị trí các thành trì, biên giới lãnh thổ và địa hình từng vùng đất đã thay đổi nhiều. Đế chế La Mã hùng mạnh ngày xưa vẫn còn đó, nhưng bị chia cắt thành hai quốc gia độc lập Đông và Tây La Mã.

Nếu như trong Rome II La Mã giàu có, binh lực dồi dào bao nhiêu thì sang Attila game thủ sẽ được chứng kiến nền văn minh ấy trên đà sụp đổ, điêu tàn. Theo như Creative Assembly nhận định, đế quốc Tây La Mã sẽ là thử thách đúng nghĩa cho bất cứ ai ngay cả cựu binh dòng game. Sở hữu lãnh thổ rộng lớn cùng một lượng quân đáng kể, nhưng Tây La Mã thực chất chỉ là một đế chế mỏng manh, phải đối mặt với hàng loạt kẻ thù từ tứ phía, được điều hành bởi bộ máy chính quyền thối nát, chìm ngập trong tham nhũng. Nên dồn binh lực cố thủ ở đâu? Phải hy sinh thành trì nào? Đối phó ra sao với những gã láng giềng khó đoán? Mỗi một quyết định của bạn đều mang tính chiến lược lâu dài nếu muốn đế chế tồn tại và từng bước lấy lại vị thế thống trị. Song song đó là những bộ tộc barbarian hung bạo không ngừng quấy phá, luôn dòm ngó ngoài biên cương. Gây dựng lại thành Rome huy hoàng hay quất cho nó "sụm" luôn, sự lựa chọn tùy vào người chơi.

Mang tên kẻ chinh phục vĩ đại, nhưng Attila cùng đội quân Hung Nô vẫn chưa được Creative Assembly xác nhận trong vai trò là một faction chơi được, dù rằng chắc chắn họ sẽ là yếu tố nòng cốt ảnh hưởng đến các sự kiện, diễn biến của mục chơi chiến dịch.

Xây dựng lại thành Rome huy hoàng hay quất cho nó sụm luôn tùy vào lựa chọn của người chơi.
Family tree trở lại

Family tree – nói nôm na là cây phả hệ các thành viên trong hoàng tộc bạn, vốn đã vắng bóng trong Rome II nay sẽ được tái xuất. Những ai đã chơi qua Shogun 2 chắc hẳn hiểu được tầm quan trọng của tính năng này trong việc hoạch định hướng đi cho đế quốc cũng như duy trì sự ổn định chính trị. Trong Total War: Attila, người chơi có thể chăm chút, dưỡng dục người kế thừa của mình, tạo các mối quan hệ thông qua hôn nhân chính trị, củng cố quyền lực gia tộc bằng cách trao chức vị, quyền hạn vào tay những hoàng thân ưu tú, hoặc lôi kéo mua chuộc người tài về phía mình.

Nhà sản xuất đã hứa hẹn lối chơi của Attila sẽ tập trung nhiều hơn vào yếu tố nhân vật, điều đó có nghĩa rằng không chỉ những vị tướng lĩnh trực tiếp cầm quân, các chính khách mà ngay cả những "nhân vật bên lề" như vợ con của họ, những người vốn "không có đất diễn" nay cũng đóng vai trò không nhỏ, khiến người chơi không thể lơ là. Điều này đòi hỏi game thủ phải khéo léo hơn trong việc dùng người, điều phối quyền lực trong tay. Nếu như giao thành trì cho một vị tướng giỏi kinh bang tế thế trông coi, thành trì đó chẳng mấy chốc sẽ trở nên phồn thịnh; nhưng nếu bạn yên tâm mặc cho anh ta ở đó mà quên đi việc giám sát thì một lúc nào đấy rất có thể vị tướng tài này sẽ bị "cám dỗ", dẫn đến hậu quả khôn lường. Dù chưa biết Family tree của Attila có thực sự được mài giũa tốt hay không nhưng sự trở lại của tính năng này là điều rất đáng khen.

Siege battle và A.I được cải tiến
Siege battle – những trận công thành luôn là yếu tố quan trọng trong mỗi phiên bản Total War. Theo quan điểm của nhà sản xuất, khía cạnh này tỏ ra khá mờ nhạt trong các game trước đây, vì thế họ quyết định nâng tầm quan trọng của nó lên đáng kể. Thay vì như trước đây, việc xâm lăng một thành lũy chỉ đơn thuần là tìm cách quấy phá, làm suy yếu bằng các gián điệp, và sau đó là một trận công thành chớp nhoáng, thành bại được quyết định rất nhanh chóng trong vòng vài lượt. Attila đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn hơn thế, giờ đây khi nóng vội tấn công một tòa thành, dù cho quân số bạn có đông hơn nhưng cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn hơn trước. Nhưng nếu tiếp tục vây hãm nó, chờ đợi thêm một thời gian rồi mới tấn công thì mọi chuyện rất khác. Quân thủ thành sẽ chết dần chết mòn, các công trình phòng thủ có thể bị phá hủy trong giai đoạn vây hãm, ưu thế sẽ nghiêng hẳn về phía bạn và chiến thắng đến dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ thế, ảnh hưởng của việc vây thành còn được thể hiện rõ khi khởi đầu cuộc chiến với xác người la liệt khắp nơi cùng khung cảnh hoang tàn.

Siege battle trong Attila được nâng tầm so với những phiên bản Total War trước.
Về phía thủ thành, game cũng mang lại nhiều giải pháp hơn. Người chơi có thể bố trí các công sự phòng thủ ở các vị trí trọng yếu và điều quân đến bảo vệ. Những rào cản này là thử thách không nhỏ cho những kẻ tấn công, làm tăng thêm chiều sâu chiến thuật và sự hào hứng cho các trận công thành trong game. Chưa hết, A.I – trí thông minh của đối thủ máy cũng có thay đổi rõ rệt. Còn nhớ khi Rome II ra mắt, A.I trong các trận chiến thật chẳng khác gì "trò cười" khi bị hủy hoại bởi một "nùi" lỗi game. Những gì người ta thấy chỉ là một đàn lính lúc nhúc chen lấn, không hề ra hàng ngũ kỷ cương, và hơn nữa là rất dễ "bắt bài". Với fan Shogun 2 A.I trong Rome II khi ấy chẳng thể so sánh được. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm và qua các bản patch, Creative Assembly đã đầu tư kỹ lưỡng hơn cho yếu tố cực kỳ quan trọng (với một game chiến thuật) này. Đối thủ máy giờ đã biết cách học hỏi, tìm ra khuyết điểm trong đội hình của người chơi và đưa ra những chiến thuật hợp lí, thậm chí là biết dùng những loại quân nào để đối phó. Có thể lần đầu tiên chúng còn tỏ vẻ "khờ khạo" nhưng qua vài lần chạm trán, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra sơ hở của người chơi và bất ngờ phản công khiến khó lòng trở tay kịp. Muốn giành chiến thắng, game thủ buộc phải không ngừng sáng tạo, biến hóa trong từng chiến thuật.

Game thủ phải liên tục thay đổi chiến thuật để đối phó với A.I trong Attila.
Những thêm thắt nổi bật khác

Ngoại giao là một trong những điểm cần nhắc đến. Attila có tất cả 56 faction lớn nhỏ với những nét đặc trưng về địa lý, văn hóa và quân sự. Từ những cường quốc đất đai rộng lớn như Tây và Đông La Mã cho đến các bộ lạc du mục không có nổi một thành trì. Dù là ai đi nữa, muốn tồn tại giữa thời kỳ đen tối này, game thủ phải biết cách tìm cho mình những đồng minh, những người sẽ giúp đỡ bạn trong quá trình chinh phục. Trong các bản Total War trước đây, tuy rằng mỗi faction có thái độ ngoại giao khác nhau, nhưng nhìn chung đa phần đều được lập trình để phản bội lại người chơi. Điều này vô tình khiến cho "Đồng minh" trở thành một khái niệm mang tính tạm thời, đôi khi là vô nghĩa khi mà bạn "chia sẻ" biết bao tiền của để rồi chúng sẵn sàng đạp đổ ngay khi có cơ hội. Nhà sản xuất đã cố gắng khắc phục điều này với Attila, mối quan hệ đồng minh sẽ được coi trọng hơn và là công cụ đắc lực hơn mà game thủ có thể tận dụng.

Kế đến, game cho phép người chơi tự thiêu hủy các thành phố của chính mình. Tính năng này khá hay khi chúng ta lâm vào tình cảnh buộc phải bỏ một thành trì nào đó mà lại không muốn nó rơi vào tay quân thù. Giải pháp là thiêu rụi tòa thành và rút binh về cố thủ ở các vị trí chiến lược quan trọng hơn. Nếu biết cách tính toán hợp lí, người chơi hoàn toàn có thể khiến đối thủ rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", nhất là khi mùa đông giá rét bao trùm, chúng sẽ chết dần chết mòn vì thiếu lương thực mà lại không còn gì để vơ vét. Lại một yếu tố giúp chiều sâu chiến thuật lại được nâng cao, và bạn cũng đừng lo vì những thành phố bị phá hủy có thể được khôi phục lại (nhưng mất thời gian và hao tốn ngân sách).

Bên cạnh những thay đổi trong lối chơi, Total War: Attila còn giới thiệu nhiều chức năng mới lạ hỗ trợ người dùng, giúp những trải nghiệm của chúng ta trong tương lai trở nên phong phú hơn. Điển hình như tính năng Total War Chronicles cho phép lưu lại những diễn biến, sự kiện trong quá trình chơi và chia sẻ nó với cộng đồng, dễ dàng thảo luận, trao đổi nhiều hơn giữa các người chơi. Có thể thấy Creative Assembly đã chịu lắng nghe và tiếp thu những ý kiến từ người hâm mộ, nhằm tạo ra một Total War: Attila với bản sắc riêng chứ không phải là một chiêu trò "vắt sữa". Sau những kỳ vọng và sau đó là nỗi thất vọng lớn vào Rome II, thật khó đề người ta đặt niềm tin một lần nữa vào trò chơi. Nhưng dẫu sao cũng còn khá sớm để nhận định về nó, hãy hy vọng rằng Total War: Attila sẽ giữa đúng lời hứa, làm được những gì mà nó đã thể hiện.

0 nhận xét:

Post a Comment