Thật điên rồ khi nhận ra rằng hãng phát triển Team17 đã và đang cho ra mắt ít nhất một phiên bản thuộc dòng game chiến thuật Worms hằng năm kể từ năm… 2001 cho đến nay.
Chúng có thể là những hậu bản chính thức, những phụ bản thay đổi toàn diện bộ mặt của Worms, những phiên bản 3D hiện đại… nhưng có một điều khá lạ lùng là cho dù có cố gắng đến đâu trong vòng 14 năm đó, Team17 vẫn không thể nào tìm lại được cái “phép màu” từng nảy ra trong đầu họ khi tạo nên phiên bản được người hâm mộ coi như là tựa game Worms xuất sắc trong cả loạt game – Worms Armageddon.
Worms W.M.D có thể được xem như là nỗ lực đầu tiên quay trở lại hình thái của Worms Armageddon của Team17 kể từ khi Worms Revolution mang loạt game tới phong cách 3D vào năm 2013, và mặt khác, trò chơi cũng có thể được coi là ví dụ điển hình nhất cho một công thức cũ đã đạt đến mức gần như hoàn hảo từ lâu lắm rồi.
PHẢI.TẬN.DIỆT.GIUN (WORMS.MUST.DIE)
Thực sự mà nói, phiên bản Worms đầu tiên và cũng là phiên bản mà người viết yêu thích nhất lại là Worms World Party, hậu bản đầu tiên của Worms Armageddon, và kể từ đó đến nay, dòng game này lại ra mắt đều đặn hằng năm với nhiều cải tiến mới, thay đổi chút ít cũng có, thay đổi toàn diện cũng có, thay đổi về nhiều mặt ngoài lối chơi cũng chả ít, từ Pinball cho đến game góc nhìn người thứ ba, từ game đánh Golf (thực chất là đánh… lựu đạn) cho tới game chơi trên… trình duyệt. Và người viết thực sự không thể không nghĩ rằng Worms Armageddon là con dao hai lưỡi của Team17, vì hãng đã tạo nên một công thức chuẩn mực quá tuyệt vời với Worms Armageddon, thế nên càng cố gắng thì người hâm mộ càng so sánh những hậu bản sau này với Worms Armageddon nhiều hơn nữa.
Đó là lý do vì sao mà việc Worms W.M.D quay trở lại những giá trị truyền thống lại mang đến một luồng sinh khí… khác lạ hơn những nỗ lực thay đổi toàn diện bộ mặt của Worms trước đây. Không khó để nhận ra phong cách đồ họa 2D quen thuộc với những chú giun tinh nghịch và đầy sắc sảo, những màn chơi trông giống như như được tạo nên từ những miếng phô-mát đủ màu sắc (nhưng giờ đây được tả thực nhiều hơn) và bị “gặm” đi một mẩu khi hứng chịu sức phá hủy nặng nề từ những loại vũ khí khác nhau, và những cuộc đấu đầy bạo lực hoạt họa của nhà giun cùng với phản ứng nực cười của chúng vẫn là tâm điểm chính tạo nên cái hồn của Worms W.M.D.
Cụm từ viết tắt W.M.D có thể được xem thành nhiều nghĩa khác nhau.
Không khó để nhận ra phong cách đồ họa 2D quen thuộc với những chú giun tinh nghịch và đầy sắc sảo
We.Make.Devastation. Worms W.M.D cũng sở hữu cho mình cơ chế “thời thượng” ngày nay trong giới game, đó chính là chế đồ (crafting). Thay vì phải vượt qua hằng tá vật cản và lối đi trên màn chơi chỉ để lấy tiếp tế mà bạn chưa chắc rằng nó có thực sự hữu dụng cho mình không, thì giờ đây bạn có thể tháo rời (dismantle) các vũ khí sẵn có và lắp ráp tạo nên các phiên bản vũ khí mới đã được tinh chỉnh đôi chút. Cơ chế này tạo nên yếu tố bất ngờ mới bởi địch thủ sẽ không thể ngờ rằng liệu bạn còn có “món hàng” nào trong tay, và việc cho phép chế đồ trong lượt đi của địch cũng giúp cho người chơi khỏi cần phải thở dài khi phải ngồi không nữa.
Nhắc đến Worms mà không nhắc đến kho vũ khí thì thật là quá phí phạm. Đúng như cái tên Weapons.of Mass.Detruction, Worms W.M.D sở hữu đến 80 loại vũ khí mới với phân nửa là những cái tên “kỳ dị” đến mức khó tả. Dodge Phone Battery là một chiếc pin điện thoại đặc biệt có khả năng tạo nên một chuỗi điện giật dây chuyền với toàn bộ các chú giun trong tầm của nó rồi… phát nổ và tạo nên hiệu ứng cháy ở mục tiêu cuối cùng. OMG Strike là một chiếc vệ tinh chiếu laser giống như UFO gây sát thương theo đường chéo và để lại vết tích trên đường đi của nó. Angry Concrete Donkey là một bức tượng con lừa giận dữ phá hủy toàn bộ những thứ mà nó đáp xuống… Thử nghiệm tất tần tật mọi loại vũ khí này vẫn mang đến một trải nghiệm thú vị khó tả bởi độ… tin cậy không chắc chắn vẫn sẽ khiến gia chủ phải khóc thét khi bị “gậy ông đập lưng ông”.
Wonderful.Multiplayer.Destruction. Phần chơi mạng của Worms W.M.D cũng đón nhận một vài cải tiến sáng giá mới. Phần chơi xếp hạng (ranked) phân cấp bậc cho người chơi theo phương thức tính điểm như thông thường, phần thưởng khi hoàn thành các trận đấu xếp hạng là các tùy chọn mới cho tổ đội giun, từ cử chỉ, bia mộ cho đến giọng nói. Số lượng tùy chỉnh dành cho mục chơi Custom Game được nâng lên đến kể, người tạo phòng có thể điều chỉnh số lượng đạn và số lượt sử dụng của vũ khí, số lượng vật thể trên màn chơi như mìn, cơ giới, ụ súng… Và dĩ nhiên, chúng được áp dụng trong cả phần chơi mạng lẫn Local Game (hay còn gọi là Skirmish) đấu với AI.
CHƠI ĐƠN THIẾU “LỬA”
Tất cả những ai tham gia vào cuộc vui của Worms chắc hẳn đều đã dự đoán được số lượng nội dung của phần chơi đơn mà loạt game này đã mang đến trong suốt những năm qua. Worms W.M.D sở hữu 4 phần chơi: hướng dẫn (Tutorial), chiến dịch (Campaign), thử thách (Challenge), và mục chơi thêm (Bonus). Phần chơi chiến dịch có khoảng 30 màn chơi được thiết kế sẵn với các mục tiêu chính và yêu cầu phụ khác nhau, chúng khá ngắn, không thực sự thử thách và cũng thiếu yếu tố bất ngờ từ phần chơi Skirmish. Trái lại, phần chơi Bonus thú vị hơn nhiều khi buộc người chơi phải tận dụng mọi loại vũ khí và trang bị thu thập được trên màn chơi để “giải đố” và tìm đường đến mục tiêu, mang lại một bầu không khí mới mẻ hơn nhiều so với các trận chiến nảy lửa trong các phần chơi chính.
Mặc dù cho phép người chơi tùy biến trận đấu lẫn số lượng chủng loại vũ khí khá lớn, không hiểu vì sao mà Worms W.M.D lại thiếu đa dạng ở bố cục các màn chơi. Chỉ có 6 chủ đề (theme) chính và 3 loại bố cục là một hòn đảo, một quần đảo và hang động, khá ít ỏi nếu so với con số 16 của Worms Reloaded (bao gồm các chủ đề của Worms Armageddon và Worms: Open Warfare).
Phần chơi chiến dịch có khoảng 30 màn chơi được thiết kế sẵn, chúng khá ngắn, không thực sự thử thách
0 nhận xét:
Post a Comment