468x1000 Ads

Monday, January 12, 2015

Review The Old City: Leviathan - bí mật thành phố cổ

Hành trình khám phá triết lý của The Old City: Leviathan chỉ kéo dài vài giờ chơi nhưng để hiểu được tất cả khúc mắc, thông điệp của game người chơi cần nhiều thời gian hơn thế.

Mỗi khi một ý tưởng táo bạo ra đời, nó sẽ luôn gánh chịu nhiều nhận định đa chiều, đặc biệt nếu đó là loại ý tưởng có thể thay đổi những giá trị truyền thống vốn có.

Có sự ủng hộ và cũng không tránh khỏi các quan điểm tiêu cực, khi đó thành công hay thất bại của ý tưởng mới đó chỉ được quyết định bởi cách nó được thể hiện. Ngành công nghiệp game không nằm ngoài quy luật ấy, điển hình nhất chính là những tựa game indie – nơi sự sáng tạo và chất xám được đổ dồn vào để hình thành nên các tiêu chuẩn mới, hướng đi mới cho tương lai của video game. Biết bao ý tưởng tuyệt vời đã được chắp nối từ những sản phẩm indie xuất sắc được đánh giá chẳng hề thua kém gì nhiều trò chơi AAA danh tiếng. Khái niệm mới Walking Simulator, thể loại The old City: Leviathan theo đuổi, khiến game thủ đặt ra câu hỏi rằng liệu nó có thực sự là một trò chơi hay không.

Nơi hành trình bắt đầu.
Walking simulator – nói mới thì cũng không hẳn là hoàn toàn đúng bởi khái niệm này đã được hình thành từ nhiều năm trước và dần từng bước tách biệt thành một thể loại mới của ngành game. Đó là dạng trò chơi không hề giành cho những game thủ đam mê hành động, tốc độ, chỉ những ai có lòng kiên nhẫn và tâm hồn nhạy cảm mới có thể thưởng thức trọn vẹn cái hay ẩn chứa bên trong. Bởi lẽ nó đặt nặng yếu tố khám phá và tư tưởng, song song đó khơi dậy những xúc cảm khác nhau của tâm hồn chúng ta trong quá trình khám phá ấy.

Có lẽ không ít người sẽ bỏ cuộc khi đọc đến đây, nhưng thực sự nếu bạn chịu khó bỏ thời gian thì sau cuộc hành trình những gì đọng lại trong lòng bạn sẽ rất sâu sắc. Trước The Old City: Leviathan đã có nhiều đàn anh rất thành công như: The Stanley Parable, Gone Home, Proteus hay Dear Esther. Mỗi tựa game đều mang thông điệp của riêng mình mà không làm mất đi yếu tố nền tảng của Walking Simulator, nhưng The Old City: Leviathan mang đến một trải nghiệm rất khác.

Lối thiết kế mang tính siêu thực.
Không như Proteus đưa người chơi thả hồn mơ mộng về những ký ức tuổi thơ, cũng không "hack não" người chơi như The Stanley Parable hay xoay quanh những vấn đề giới tính nhức nhối của xã hội như Gone Home. Câu chuyện của The Old City: Leviathan mang màu sắc thần thoại, tôn giáo và mang tính triết học nhiều hơn.

Trò chơi khởi đầu với một lời ngỏ rất thú vị rằng không phải tất cả những gì bạn sắp nhìn hay nghe thấy đều đáng tin tưởng. Bởi đơn giản nhân vật người chơi hóa thân là một kẻ tâm thần phân liệt, anh ta cho rằng mình đang trò chuyện với một thực thể vô hình gọi là Leviathan và chính Leviathan đã dẫn dắt anh đến nơi này. Hành trình của chúng ta bắt đầu như thế, chẳng hề có một lời dẫn giải hay giới thiệu nào về thế giới xung quanh hay nhân vật chính là ai, mục đích của anh ta là gì. Tất cả chỉ là sự bí ẩn bao trùm ngay từ đầu đến tận cuối trò chơi. Rất nhanh chóng, game thủ sẽ nhận ra rằng chỉ có mình là con người duy nhất hiện diện giữa một thành phố hoang tàn. Một thế giới rộng lớn nhưng cô độc cùng vô vàn điều kỳ bí đang chờ đón bạn khám phá.

Dù là nội cảnh...
Nếu ai đó đang lầm tưởng giữa game phiêu lưu và Walking Simulator thì họ nên phân biệt lại. Dù rằng điểm chung giữa hai thể loại này là đề cao sự tìm tòi, khám phá môi trường và cốt truyện, nhưng Walking Simulator lại nhấn mạnh nhiều hơn vào việc khơi dậy và tác động đến những cảm xúc trong lòng người chơi, khiến họ phải suy nghĩ và ám ảnh thực sự về những thông điệp ẩn chứa để rồi luôn đặt ra những câu hỏi cho chính cuộc sống thực tại của mình. Đó là về mục đích và giá trị, còn xét về gameplay, Walking Simulator không có được sự đặc sắc như các game phiêu lưu. Trong The Old City: Leviathan, những gì người chơi làm được chỉ là di chuyển, chạy, nhảy và tính năng zoom in để quan sát môi trường một cách chi tiết hơn. Không có các câu đố thử thách trí tuệ người chơi, không có nhân vật nào khác để trò chuyện, cũng chẳng hề tồn tại bất kỳ kẻ thù nào đe dọa và ngay cả một chút yếu tố "vượt chứng ngại vật" như game platform cũng không nốt. Nhiệm vụ duy nhất game thủ theo đuổi là khám phá thế giới xung quanh cũng như vén bức màn che phủ những bí mật của câu chuyện.

Đây không phải là khuyết điểm, mà lại là yếu tố đặc trưng cho thể loại game như The Old City: Leviathan. Bất kỳ ai đã từng chơi qua Gone Home hay Dear Esther đều hiểu được, vì đó chính là nguyên do cho câu hỏi đây có thực sự là video game hay không? Tuy nhiên trò chơi này lại vấp phải nhiều hạn chế trong khâu điều khiển. Thứ nhất là tốc độ di chuyển của nhân vật chính quá chậm chạp, chẳng biết có liên quan gì đến căn bệnh của anh ta hay không mà thậm chí khi sử dụng nút chạy thì cũng chẳng nhanh hơn là bao. Có lẽ nhà phát triển muốn người chơi đừng quá nóng vội, hãy tập trung vào việc khám phá môi trường, nhưng vô tình điều này lại khiến tiến độ game trở nên chậm đi nhiều. Đôi khi có những hành lang dài đủ làm cho bạn có cảm nghĩ chạy cả buổi cũng không đến đầu kia được. Kế đến là khả năng nhảy, gần như là vô dụng khi ngay đến chiếc hàng rào thấp lè tè người chơi cũng không tài nào nhảy qua được, dẫn đến việc vượt qua các địa hình chật hẹp là những trải nghiệm rất bực bội.

…hay ngoại cảnh cũng đều rất đẹp mắt.

Mức độ tương tác với môi trường cũng cực kỳ hạn chế, người chơi có thể mở cửa, nhấn công tắc hay tìm kiếm các mảnh ghi chú, nhưng chỉ thế là hết. Những việc mở một quyển sách hay ngăn tủ, bật máy cassette như Gone Home đều không làm được ở đây. Ngoài việc tự do đi lại trong khu vực rộng lớn, điều game thủ làm được nhiều nhất (và nên làm nhất) là zoom in và bỏ thời gian đọc hết các mảnh giấy, dòng chữ trên tường, các trang sách mở sẵn và lắng nghe cuộc độc thoại của nhân vật chính để thu thập manh mối cho quá trình khám phá cốt truyện.

Như lời nhắn nhủ khi khởi đầu game, người chơi đang bước vào tâm trí của một người thần kinh bất ổn. Điều đó lí giải một các hoàn hảo cho tính chất trừu tượng, siêu thực được khắc họa đậm nét trong thế giới này. Những mẩu thông điệp dán chi chít trên khắp các bức tường, những căn phòng thực hiện nghi lễ ma quái, phòng chơi đùa cho trẻ con ngay giữa hệ thống cống ngầm của thanh phố. Đặc biệt hơn, cảnh vật trong game có khả năng thay đổi theo mỗi lần người chơi quay lại nơi đó chẳng hạn như một vài xác chết bỗng dưng xuất hiện và biến mất chỉ sau một vài bước chân ra khỏi cửa. Tất cả những chuyện kỳ quái, khó hiểu ấy lại trở nên hợp lý chỉ bằng một lời nhắc nhở ngắn gọn, không chỉ vậy, nó còn đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện khi bạn dần vén bức màn bí ẩn.

Không khí ma quái rợn người.
Cuối mỗi chặng đường trong tổng cộng khoảng mười chương, người chơi sẽ tìm được phần ghi chú từ một nhân vật phụ vô hình giải thích về quá khứ của thành phố cổ, chuyện gì đã xảy ra khiến nó biến thành một nơi điêu tàn và nhiều khúc mắc khác. Kết hợp những manh mối tìm được game thủ sẽ từng bước hiểu rõ câu chuyện lạ lùng ẩn chứa những tư tưởng, triết lý sâu xa mà không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Mảng biên kịch được đầu tư rất tốt, các câu nói, lời văn được trau chuốt tỉ mỉ, từ những câu dễ hiểu cho đến nhiều phân đoạn đậm chất triết học cũng như các thần thoại và tôn giáo của người Do Thái. Tất nhiên không phải game thủ nào cũng đều hứng thú với công việc đọc hiểu và hàng đống trang chữ khô khan như thế, nhưng nếu đủ kiên nhẫn và khả năng cảm nhận, bạn sẽ thấy chúng chứa đựng những bài học tư tưởng, thông điệp rất có ý nghĩa.

Mỗi chương đưa người chơi đến các khu vực khác nhau của thành phố cổ. Các màn chơi được thiết kế theo lối mê cung với nhiều hướng đi, mỗi hướng lại tỏa ra nhiều nhánh rẽ mới. Cách làm này mang lại cảm giác tự do, phi tuyến tính cho trải nghiệm của người chơi dù đôi khi làm bạn mất phương hướng. Thế nhưng điểm đáng chê trách nhất là trò chơi không hề cảnh báo chúng ta khi đến gần nơi dẫn qua chương tiếp theo. Việc qua màn rất đơn giản, chỉ cần tìm đến cánh cửa hoặc hành lang qui định là bạn sẽ tự động sang trang mới. Hệ quả là có những tình huống bạn đang tha thẩn trong một hành lang nào đó thì bỗng nhiên màn hình loading hiện ra và "Boom", bạn đã bước qua chương tiếp theo trong khi còn chưa thu thập đủ thông tin của màn trước. Đồng nghĩa với việc nhiều nút thắt trong cốt truyện đã bị vuột mất một cách không đáng và chẳng cách nào trở lại được ngoài việc chơi từ đầu. Đáng lẽ ra nên có một lời nhắc mỗi khi đến "cấm địa" thì chuyện đã chẳng phiền toái như thế. Rõ ràng The Old City: Leviathan có một cốt truyện rất thú vị, cách truyển tải câu chuyện ấy cũng khá hấp dẫn, nhưng vẫn còn đó những hạn chế và thiếu sót làm tựa game bị trừ điểm không đáng.

U buồn, cô độc.
Bù lại, The Old City: Leviathan là một thành phố cổ tuyệt đẹp để khám phá. Dù được xây dựng trên nền tảng engine Unreal 3 đã già cỗi, nhưng game vẫn có những khung cảnh đẹp đẽ để lại ấn tượng mạnh cho người chơi. Cách phối hợp màu sắc và hiệu ứng ánh sáng hài hòa, thiết kế môi trường phức tạp và giàu chi tiết đã tạo nên những cảnh quang mãn nhãn. Từ ánh sáng leo lét, đầy vẻ âm u của hệ thống cống ngầm tối tăm; không gian ma quái của phòng nghi lễ cho đến khu rừng rậm rạp cỏ cây và bờ biển chói nắng; dù là nội cảnh hay ngoại cảnh đều thể hiện sắc nét và tinh tế.

Những hình vẽ, dòng chữ trên tường, sự bất thường trong việc sắp xếp cảnh vật, những bóng hình thấp thoáng xa xa rồi chợt tan biến khi đến gần The Old City: Leviathan đã khắc họa tuyệt vời bầu không khí ảm đạm, u buồn, nhuốm màu ma mị và đậm chất siêu thực của thành phố cổ, một nền văn minh đã từng phát triển thịnh vượng nay đã hoang tàn. Đặc biệt là ánh sáng, vốn là thế mạnh của Unreal 3 được vận dụng rất tốt. Người chơi sẽ cảm thấy chút gì đó rùng rợn, cảm tưởng như ai đó đang dõi theo những bước chân của mình nhưng thật sự chẳng hề tồn tại ai khác ngoài nhân vật chính. Có những lúc rảo bước giữa hành lang dài, chợt thấy thấp thoáng đâu đó có bóng người, để rồi khi tìm đến bạn lại ngỡ ngàng nhận ra đó chỉ là một xác chết. Trò chơi luôn khiến chúng ta lầm tưởng như thế và sau đó cảm nhận sự cô độc tràn ngập thành phố rộng lớn ấy. The Old City: Leviathan khơi dậy cảm giác rất quen thuộc, pha trộn giữa yếu tố thực và siêu thực của series Myst huyền thoại ngày xưa. Đồng thời cũng là một minh chứng khác cho sức mạnh trường tồn của Unreal 3 engine đã mười năm tuổi.

Mảng âm thanh trong game là không nhiều, những đoạn nhạc hiếm nhưng cất lên vào những tình huống rất phù hợp. Giọng lồng tiếng của nhân vật chính tuy không đến mức quá xuất sắc nhưng cũng đã làm tốt vai trò truyển tải thông điệp và cảm xúc đến người chơi. Bởi đây là thế giới cô đơn, chỉ có sự tĩnh lặng bốn bề và những lời độc thoại của con người quẫn trí, nên chẳng có quá nhiều hiệu ứng âm thanh như người chơi mong đợi. Dù vậy cách lồng ghép của nhà phát triển khá là tinh tế.

Thủy quái truyển thuyết Leviathan trong tiếng Do Thái nghĩa là cá voi.
Hành trình khám phá triết lý của người chơi chỉ kéo dài vỏn vẻn vài giờ chơi, nhưng để có thể hiểu được tất cả những khúc mắc và thông điệp mà game nhắn nhủ sẽ cần nhiều thời gian hơn thế. Không chỉ là thời gian khám phá mà còn là thời gian để suy ngẫm, chìm đắm trong tư tưởng của riêng bạn sau những trải nghiệm. Tuy còn nhiều nhược điểm đáng chê trách, nhưng nhìn chung The Old City: Leviathan là một game hay, một đại diện xứng đáng cho thể loại Walking Simulator còn non trẻ. Nếu game thủ cảm thấy hứng thú và đủ kiên nhẫn, đừng ngần ngại một lần đến với thành phố cổ để cảm nhận thế giới đẹp đẽ và rút ra những bài học sâu xa nó ẩn chứa.

Ưu điểm
- Khắc họa thế giới cực kỳ chi tiết, quyến rũ.
- Lối chơi đề cao sự khám phá, chuẩn mực của Walking Simulator.
- Cốt truyện hấp dẫn, nhiều thông điệp ý nghĩa.

Nhược điểm
- Điều khiển còn hạn chế, làm chậm nhịp độ game.
- Một vài thiếu sót không đáng có.

(Nguồn: internet)

0 nhận xét:

Post a Comment