468x1000 Ads

Tuesday, July 11, 2017

[Hướng dẫn] Nioh cho người mới chơi (P1): Giới thiệu chung

Giới thiệu chung về game Nioh


Nioh (仁王, Niō, Niou) là tựa đề game soft do hãng Koei Tecmo phát hành cho máy Sony PlayStation 4 vào ngày 9 tháng 2 năm 2017. Nioh là game thể loại hành động mang yếu tố RPG với bối cảnh Nhật Bản thời Chiến quốc. Game nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực khi mới phát hành và tạo được cơn sốt, luôn trong tình trạng hết đĩa ở cả thị trường Nhật Bản và thị trường Quốc tế chỉ trong chưa đầy một tháng kể từ ngày được phát hành.

Ban đầu Nioh có tên là Oni (con quỷ).

Về mặt gameplay, Nioh được xếp vào loại game "chơi để chết", thể loại game có độ khó cao vào người chơi phải chết đi chết lại nhiều lần mới có được kinh nghiệm để vượt qua màn chơi. Thể loại game "chơi để chết" này khởi đầu với Dark Soul và Nioh là một phiên bản kế thừa. Ngoài ra, Nioh còn mang nhiều yếu tố RPG và yếu tố chặt chém như dòng game Tam Quốc của hãng Koei. 

Về mặt nội dung và bối cảnh, Nioh xây dựng câu chuyện của nhân vật chính dựa trên nhân vật lịch sử William Adams (đọc tại đây) và lấy bối cảnh nước Nhật thời Chiến quốc loạn lạc. Tuy nhiên game không bám theo sát lịch sử và có lồng ghép nhiều yếu tố hư cấu, cũng như các yếu tố thần thoại, yêu quái trong quan niệm dân gian của người Nhật.

Nioh là một danh từ tiếng Nhật xuất phát từ Phật giáo (tìm hiểu tại đây) và hiểu nôm na là "hộ pháp".

Quá trình phát triển Nioh

Ngày 28 tháng 10 năm 2004, 3 công ty là Koei, Shibusawa Kou Production và Kurosawa Production công bố về một dự án hợp tác với tên gọi tạm thời là "Oni" (nghĩa là "quỷ" trong tiếng Nhật) và đây là tác phẩm Media mix (phim + game) dựa trên ý tưởng Jidai-geki (tìm hiểu tại đây) của cố đạo diễn Kurosawa Akira. Oni được dự định sẽ ra mắt trên thế hệ máy chơi game PlayStation đời tiếp theo (mà sau này là PlayStation 3) và đến ngày 18 tháng 5 năm 2005, khi nhà sản xuất phần cứng công bố về máy PS3 thì Koei cũng công bố tựa game đầu tiên cho máy PS3 của mình có tên gọi "Nioh". Tại thời điểm này, cả phiên bản phim điện ảnh và bản game "Nioh" được dự định là sẽ ra mắt đồng thời vào năm 2006. Lúc bấy giờ "Nioh" được tiết lộ là game hành động mang nhiều yếu tố RPG với bối cảnh lịch sử, nhân vật chính là một võ tướng khỏe như quỷ (Oni) và người chơi có thể hợp tác với nhau.

Khi tôi khen đồ họa Nioh đẹp thì có nghĩa là tôi khen khuôn mặt xinh đẹp của các quý cô trong game.

Tuy nhiên sau đó thì dự án này không còn được nhắc tới nữa. Cả phiên bản phim điện ảnh cũng chưa từng được trình chiếu. Tại Tōkyō Gameshow năm 2015, Shibusawa có nhận xét rằng bản game trải qua nhiều lần thay đổi, chỉnh sửa vì không đạt đến sự hấp dẫn như Shibusawa mong muốn. 
Khi đề cập đến việc nhân vật chính là Samurai mắt xanh tóc vàng thì Shibusawa trả lời trong mục phỏng vấn trên tạp chính tuần san Famitsū rằng, thực ra nội dung của "Nioh" là do nhân viên viết kịch bản cho loạt game "Kessen" (Quyết chiến, series game chiến thuật với đề tài Chiến quốc Nhật Bản của hãng Koei) xây dựng, và cả ý tưởng chàng Samurai mắt xanh tóc vàng trong thời Chiến quốc cũng hoàn toàn không dựa gì vào ý tưởng của cố đạo diễn Kurosawa Akira.

Tháng 4 năm 2010, hai hãng Koei và Tecmo sáp nhập với nhau, thành lập nên Koei Tecmo và đến tháng 9 cùng năm thì công bố dự án "Nioh" sẽ do Team NINJA, nhóm phát triển game của Tecmo cũ đảm nhận. Lúc này Shibusawa tiết lộ rằng nội dung game là về một chàng Samurai Tây phương tóc vàng mắt xanh. Tuy nhiên, tại thời điểm Tōkyō Gameshow 2015 thì "Nioh" bị cho là quá giống với "NINJA GAIDEN", tác phẩm tiêu biểu của Team NINJA nên cần phải thay đổi, và từ đó không còn tin tức gì về dự án này.

Cho đến tháng 9 năm 2015 thì "Nioh" được công bố là đổi sang hệ máy PS4, và thể loại cũng thay đổi thành game "Dark Sengoku Action RPG" (game hành động mang yếu tố RPG, bối cảnh Chiến quốc, u ám) và hình ảnh chơi thực tế trên máy PS4 cũng được công bố lần đầu tiên. Và từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2016, Koei Tecmo cho người dùng tải bản thử nghiệm alpha của "Nioh" thông qua PlayStation Network, đạt con số hơn 850.000 lượt download trên toàn Thế giới, và người chơi cũng có thể phản hồi, đóng góp ý kiến về phương châm phát triển của Nioh. Từ tháng 8 đến tháng 9 cùng năm, Koei Tecmo cũng cho tải về bản thử nghiệm beta. Đến ngày 9 tháng 2 năm 2017 thì phiên bản chính thức được phát hành tại Nhật với 15 ngôn ngữ được hỗ trợ, các thị trường khác thì mốc thời gian có xê dịch không đáng kể. 

Cốt truyện của Nioh khá đơn giản


Thế kỷ 17, thời kỳ "đại hàng hải", sau cuộc hàng hải dằng dặc, cuối cùng hải tặc William Adams cũng trôi dạt đến đảo quốc Jipangu (cách gọi nước Nhật kiểu người Bồ đương thời) vốn nổi tiếng lắm vàng. Nhưng lúc này, Jipangu trải qua những cuộc nội chiến, thây người chất thành núi, máu chảy thành sông, oán khí tràn lan nên sinh ra lắm yêu ma quỷ quái.

Tại Jipangu lúc này, quan Thái Cáp Toyotomi Hideyoshi vừa qua đời nên quyền lực bị chia rẽ thành hai phe Đông Tây. Đại diện phe miền Đông là Tokugawa Ieyasu, và đại diện phe miền Tây là Ishida Mitsunari. Khi trôi dạt đến Nhật, William tình cờ được Ninja tâm phúc của Ieyasu là Hattori Hanzō phát hiện. Từ đó, William theo chân Hanzō đầu quân cho phe miền Đông, lao mình vào những trận chiến trong bóng đêm của lịch sử...

Gameplay

Nioh được xếp vào hàng ngũ game "chơi để chết" như Dark Soul. Nhân vật trong game có 2 đơn vị đo lường chính: một thanh HP (hay "máu") và một thanh "khí" (ki). Khi HP hết thì nhân vật chết, còn thanh "khí" giảm dần khi nhân vật hành động như tấn công, chạy, phòng thủ... Thanh "khí" sẽ tự động hồi phục khi nhân vật ngưng hành động. Do vậy, yếu tố hành động của Nioh còn mang tính chiến thuật, đòi hỏi người chơi phải biết quản lý cả "máu" và "khí" để giành đường sống trong những trận chiến không biết đến ngày mai.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ thao tác trong Nioh sẽ khó như bấm tuyệt chiêu trong các game đối kháng, nhưng thực tế không phải như vậy. Mọi thao tác hành động trong Nioh đều đơn giản mà những người sơ tâm đều có thể quen được. Cái khó của Nioh là phải biết địch biết ta, biết điểm dừng, biết khi nào thì làm cái gì. Nếu người chơi giữ phong cách hành động như kiểu Rambo hay lao đầu vào chặt chém như kiểu Ninja Gaiden thì số lần chết còn nhiều hơn số xác địch bị chém. Trong Nioh có 5 loại vũ khí chính của các Samurai: đơn kiếm, song kiếm, thương, tỏa liêm (Kusari-gama) và búa. Ngoài ra còn một số vũ khí bổ trợ khác. Mỗi loại vũ khí chính có lối đánh khác nhau, và còn tùy thuộc vào 3 thế thủ: thượng đoạn, trung đoạn và hạ đoạn. Mỗi kiểu thủ có đặc tính riêng, công năng riêng và đòi hỏi người chơi phải hiểu rõ để áp dụng có hiệu quả.

Đôi khi bạn thấy đối phương cũng ngu không kém mình là mấy.

Nioh có 2 điểm dễ: dễ chết và dễ nghiện. Dễ chết thì khỏi phải bàn. Còn yếu tố dễ nghiện nằm ở chỗ, mỗi khi bạn chết thì lại dấy lên biết bao suy nghĩ: sao chết ngu vậy, lần sau sẽ tránh được; thử đổi cách đánh xem sao; ván sau tao sẽ đổi vũ khí khác; vân vân. Và mỗi lần chết, bạn càng mong muốn vượt qua cái chết. Cái khéo của nhà phát triển là họ không làm game khó hẳn để bạn phải chán mà bỏ cuộc. Họ chỉ cho bạn thấy: sức bạn có 3, và độ khó chỉ có 4. Vậy là chỉ cần cố gắng thêm một tí nữa là qua được thôi... Nhưng sau khi tốn kha khá thời gian để chết trong Nioh thì bạn sẽ học được một điều mà ở đời người ta hay nói: không cái ngu nào giống cái ngu nào. Mỗi lần ngu mỗi kiểu và tất cả đều dẫn tới cái chết.

Đồ họa và âm thanh

Nioh được phát triển cho máy PS4, PS4 Pro và đây là máy chơi game mạnh nhất cho tới thời điểm này của hãng Sony, vì vậy không cần phải nói nhiều về đồ họa của nó. Một điểm khá thú vị của Nioh là hệ thống trang phục. Trong game bạn mặc thứ gì, đeo thứ gì thì những thứ đó được thể hiện nguyên si trong những đoạn phim cutscene.

Nếu bạn cởi trần trong game thì bạn cũng sẽ thấy mình ở trần trước mặt người đẹp như thế này.

Nhạc nền trong Nioh bình thường, không đặc sắc và không có chất của dòng Jidai-geki. Âm thanh có phần không trung thực. Tiếng đao kiếm chém vào da thịt nghe như chém vào sắt thép. Nhưng chỉ cần lơ là một phần trăm giây cũng đủ chết thì hẳn bạn sẽ không còn để ý tiếng nhạc hay dở thế nào đâu. 

Kết

Nếu bạn ghét lịch sử Nhật, văn hóa Nhật hay những gì liên quan tới Nhật thì không nên mua/chơi Nioh. Còn nếu không phải, thì dù bạn có ghét thể loại game hành động đi nữa thì cũng nên mua ngay Nioh vì lý do tôi đề cập ở trên: có thể bạn sẽ nghiện luôn thứ bạn từng ghét. Nioh là một lý do lớn để mua PS4 vì cho tới thời điểm hiện tại, không thấy nhà phát triển đề cập đến phiên bản cho các hệ máy khác. Còn nếu đã có PS4 rồi thì Nioh lại là một lý do lớn để bạn không cảm thấy phí tiền khi mua con máy này.

Hướng dẫn Nioh cho người mới chơi (P2): Những điều cần lưu ý khi chơi

Nguồn: gamevn

0 nhận xét:

Post a Comment